Đắk Lắk – Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, góp phần ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân tỉnh Đắk Lắk ban hành kế hoạch thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP) trong một chính sách hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Đối với chính sách người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, xâu dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách và nguồn lực để thực hiện. Phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.
UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh thành lập ban giám sát các cấp để giám sát thực hiện ngay từ khâu lập danh sách, niêm yết công khai các đối tượng được thụ hưởng chính sách tại các cộng đồng dân cư và chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng đảm bảo theo quy định. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ, không để sai sót trùng lặp đối tượng, kịp thời ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 và Kế hoạch số 6657/KH-UBND ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công văn số 1400/SLĐTBXH-LĐVLGDNN đề nghị các UBND các huyện, thị xã, thành phố lưu ý một số vấn đề như : Khi thực hiện rà soát, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ, đề nghị các UBND chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cần bám sát các văn bản chỉ đạo của cơ quan nhà nược có thẩm quyền có nội dung liên quan đến các ngành, nghề phải tạm dưng hoạt động, khu vưc cách ly, giãn cách, phong tỏa trong phòng, chống dịch COVID-19 để xác định đúng đối tượng, đảm bảo đạt yêu cầu về điều kiện hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã thực hiện thông tin, phổ biến rộng rãi đến toàn thể người dân trên địa bàn để người dân được biết, gửi câu hỏi, phản ánh, kiến nghị trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc cấp thiết và các vấn đề phát sinh trong quá trình tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Để đảm bảo thực hiện chế độ trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh COVID-19 theo đúng quy định của pháp luật lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn 1356/SLĐTBXH-LĐVLGDNN về việc đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện việc thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc địa bàn, phạm vi quản lý trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh COVID-19
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động và người sử dụng lao động trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan, kết nối, tích hợp cung cấp 5/7 dịch vụ công trực truyến.
Để sử dụng các dịch vụ công này, người lao động và người sử dụng lao động đăng nhập Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ https://www.dichvucong.gov.vn, vào mục “Hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”.
Các dịch vụ này bao gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; ngừng việc; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Quy trình thực hiện 5 dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã được đơn giản tối đa, người lao động và người sử dụng lao động đăng nhập, khai và nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (trừ các thành phần hồ sơ, dữ liệu đã được Cổng dịch vụ công Quốc gia kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu Quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các biểu mẫu sẽ được điện tử hóa).
Cổng Dịch vụ công Quốc gia chuyển dữ liệu đã được ký số đến cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận. Sau khi nhận được xác nhận (ký số) của cơ quan Bảo hiểm xã hội, Cổng Dịch vụ công Quốc gia có trách nhiệm chuyển hồ sơ trực tuyến của người lao động và người sử dụng lao động đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh hoặc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp hệ thống một cửa cấp tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu cho phép tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thực hiện việc tiếp nhận và cập nhật trạng thái, kết quả giải quyết theo tài khoản do Cổng Dịch vụ công Quốc gia cấp.
Việc hỗ trợ phải bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi, lợi dụng chính sách. Mỗi trường hợp chỉ được hưởng chính sách “Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng” 1 lần. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác. |
HUY MINH