Các nước trong khối EU đã cảnh báo và dự kiến đến ngày 30/9/2017, nếu Việt Nam không ngăn chặn được tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước khác để khai thác thì sẽ không cho phép hải sản nước ta nhập vào EU.

Thông tin tại hội nghị “Triển khai thực hiện công điện số 732/CĐ-TTG ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ” về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; do Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi, ngày 24/8. Tham dự có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, đại diện Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư và các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bến Tre, Cà Mau…
Phó cục trưởng Cục Lãnh sự nước CHXHCN Việt Nam, ông Bùi Quốc Thành cho biết, chỉ trong mấy tháng đầu năm 2017, Indonesia đã trao trả 645 ngư dân ta bị bắt khi xâm phạm vùng biển của họ. Bên cạnh, một số tàu đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài bỏ chạy được, nhiều tàu cá không bật định vị nên khó xác minh vị trí đánh bắt để hỗ trợ. Lại có một số tàu cá của ta bị tàu Trung Quốc xua đuổi, phía Trung Quốc phủ nhận vì ngư dân ta không có bằng chứng.

Nghề cá Việt Nam phát triển nhanh trong hai chục năm qua, hiện có 110.950 chiếc tàu với công suất bình quân mỗi chiếc hơn 90 CV. Trong lúc, ngư trường trọng điểm Hoàng Sa, vịnh Bắc bộ xảy ra tình trạng tranh chấp. Phía nam, việc phân định vùng biển giữa các quốc gia có sự chồng lấn như nước ta với Campuchia. Đặc biệt là nguồn lợi vùng biển nước ta bị khai thác cạn kiệt. Điều tra của Viện Nghiên cứu hải sản, giai đoạn 2011 – 2015, hải sản tầng đáy giảm 41,7%; nhóm cá nổi lớn giảm 10,2%; cá nổi nhỏ giảm 3,2%. Từ đó, tăng lên hiện tượng tàu cá Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Australia.
Riêng tỉnh Quảng Ngãi, mấy tháng đầu năm 2017, có 98 lượt tàu cá bị các nước Philippines, Indonesia, Malaysia, Australia bắt giữ. Ngư dân Quảng Ngãi từ năm 2013 trở về trước thường xâm phạm vùng biển các nước gần, nhưng khi các nước này cứng rắn phạt tù dài ngày, bắn chìm tàu xâm phạm thì lấn tới vùng biển các nước xa hàng ngàn hải lý.
Tình trạng ngư dân nước ta xâm phạm vùng biển nước khác đã ở mức nghiêm trọng. Cục trưởng Cục Kiểm ngư Lưu Văn Huy cho biết, các tổ chức quốc tế lên án gay gắt tình trạng xâm phạm vùng biển nước khác. Trong khối EU, đã có 24 quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt (thẻ vàng, thẻ đỏ) đối với sản phẩm khai thác bất hợp pháp. Với Việt Nam, EU đã cảnh báo và dự kiến đến 30/9, nếu không ngăn chặn tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước khác thì sẽ không cho phép thủy sản Việt Nam nhập vào EU.
Nếu xảy ra việc cấm của EU thì đó sẽ là thiệt hại khó lường đối với ngành thủy sản Việt Nam. Bởi EU là một thị trường hàng đầu nhập khẩu thủy sản nước ta, trong 7 tháng đầu năm 2017 nhập hơn 730,7 triệu USD, chiếm gần 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản nước ta. Thị trường EU chỉ đứng sau thị trường Mỹ, cùng thời gian chiếm 18%. Kim ngạch nhập khẩu thủy sản Việt Nam của thị trường EU tương đương tổng kim ngạch của gần 120 thị trường nhỏ.
Tại hội nghị, nhiều giải pháp được nêu ra cả trước mắt và lâu dài. Đó là thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ nguồn lợi biển, cấm đánh bắt ven bờ, cấm khai thác các loại hải sản quý hiếm như hải sâm, tai tượng, rùa biển. PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng kiến nghị xây dựng trung tâm giám sát tàu cá trên biển, đảm bảo các tàu cá đều có thiết bị giám sát hành trình và được kiểm soát chặt chẽ. Còn PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao kiến nghị nhà nước đàm phán phân định vùng biển đối với Campuchia rõ ràng để ngư dân yên tâm hoạt động đánh bắt.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trong tháng 9, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành kế hoạch hành động quốc gia ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển tăng cường tuần tra, còn các tàu cá phải lắp thiết bị kết nối bờ để lực lượng chức năng giám sát hành trình khai thác trên biển. “Các địa phương phải thực hiện nghiêm công điện 732/CĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.
NGỌC DUYÊN