Nằm ở phía Nam của Vịnh Hạ Long và phía Đông của đảo Cát Bà, Vịnh Lan Hạ có diện tích hơn 7.000 ha trong đó có hơn 5.400 ha là thuộc quyền quản lý của khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận – Vườn Quốc gia Cát Bà. Vinh Lan Hạ nổi bật với vẻ đẹp ngoạn mục của khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ dày đặc với nhiều hình thù kỳ thú. Tất cả các đảo ở Vịnh Lan Hạ đều được phủ đầy cây xanh. Đây quả là một trong những vịnh biển đẹp nhất của Việt Nam nhưng lại được ví như “ thiên đường bị quên lãng” khi ít được du khách biết đến và cần nhiều biện pháp đồng bộ khai thác, quảng bá du lịch.

Khám phá tiềm năng đóa hoa lan giáng trần
Mang cái tên mỹ miều nhưng Lan Hạ, đóa hoa lan giáng trần, còn bị lãng quên, chưa được du khách biết nhiều với tiềm năng phong phú. Trước hết, Vịnh Lan Hạ chứa đựng các giá trị đặc trưng riêng về văn hóa, cảnh quan và đa dạng sịnh học. Về văn hóa, hiện nay, nơi đây còn lưu giữ được nhiều công trình độc đáo như đền thờ “Các Bà”, đền thờ “Các Ông” gắn liền với truyền thuyết về chống giặc ngoại xâm phương Bắc thời kỳ đầu dựng nước. Ngoài ra, còn có di tích công trình thành cổ thời nhà Mạc ở xã Xuân Đám. Các lễ hội còn lưu lại đến ngày nay như hội bơi chải, hội đua thuyền rồng, đua thuyền thúng, lễ thuỷ thần, lễ hội nghề cá … là những tài nguyên du lịch nhân văn hết sức hấp dẫn khách du lịch.

Nhìn từ góc độ khảo cổ học, di chỉ Cái Bèo nằm trong lòng vịnh chính là dấu gạch nối, khâu trung gian, một mắt xích nối liền hai thời đại: tiền sử và sơ sử của khu vực. Dấu tích dễ nhận thấy ngày nay là làng chài Cái Bèo – một làng chài biển cổ có quy mô lớn hiện được biết ở Việt Nam.
Vịnh Lan Hạ còn chứa đựng các hệ sinh thái điển hình, nổi trội như (1) hệ sinh thái hang động, (2) hệ sinh thái vùng triều, (3) hệ sinh thái san hô, (4) hệ sinh thái đáy mềm và (5) hệ sinh thái hồ nước mặn.
1) Hệ sinh thái hang động gồm các hang ngập nước đặc trưng, là một kiểu cấu trúc đặc biệt của địa hình karst ( hiện tượng phong hóa trên biển). Các hang động ngập nước ở Cát Bà gồm hang ngập nước một phần và hang ngập nước hoàn toàn. Các loài sinh vật biển tập trung đông đúc trong những hang động này. Đặc biệt, bọt biển và san hô mềm được tìm thấy phổ biến tại đây.

2) Hệ sinh thái vùng triều với các khảm sinh vật bám đặc sắc ít nơi có được: Bao gồm các bãi triều cát, bãi triều đá và bãi triều bùn. Trong khu Vịnh Lan Hạ có khoảng 40 bãi cát, phân bố tập trung ở Đông Nam đảo Cát Bà; các bãi cát thường nằm trên thềm san hô cao từ 1m – 4m/0m hải đồ; chiều rộng 20m – 200m. Bãi triều rạn đá, chiếm phần lớn diện tích bãi triều xung quanh các đảo; khảm sinh vật bám trên bãi triều rạn đá là kiểu khảm được cấu trúc bởi rong bám và hầu hà điển hình cho hệ sinh vật bám vùng biển nhiệt đới.
3) Hệ sinh thái rạn san hô phát triển bậc nhất Vịnh Bắc Bộ: Hệ sinh thái rạn san hô điển hình, đặc trưng cho toàn bộ khu vực Cống Đỏ, Hang Trai, Đầu Bê, Cát Bà, Long Châu về hình thái cấu trúc rạn, diện phân bố, thành phần và cấu trúc quần xã sinh vật tạo rạn, là nơi tập trung của hầu hết các nhóm sinh vật biển như giun nhiều tơ, thân mềm, da gai, giáp xác, bò sát biển, cá rạn san hô… Bên cạnh chức năng là nơi kiếm mồi, sinh sản, các rạn san hô còn là nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm sinh vật này. Một trong những đặc điểm nổi bật của các rạn san hô là chúng không chỉ phân bố ở vùng dưới triều mà còn có mặt ở vùng triều. Điều này tạo ra các mối liên hệ sinh học, sinh thái đa dạng nhưng cũng hết sức độc đáo của các sinh vật vùng triều và dưới triều.
4) Hệ sinh thái đáy mềm: nền đáy biển Vịnh Lan Hạ tồn tại mạng lưới chằng chịt các lòng sông cổ được bao phủ bởi khối nước biển trong xanh đạt đến độ sâu 29m nước. Khu vực này là nơi sống của trên 1000 loài động, thực vật biển và cũng chứa đựng các bãi cá, bãi giống chính của Vịnh Bắc Bộ. Vùng đáy biển không phân bố liên tục mà bị chia cắt mạnh bởi các đảo, rạn đá, rạn san hô. Vì lẽ đó, đáy mềm không chỉ là môi trường sống đa dạng của các loài, mà còn đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ về sinh học, sinh thái giữa dạng hệ sinh thái biển (vùng triều, rừng ngập mặn, rạn san hô), cũng như các tương tác với hệ sinh thái rừng nhiệt đới.
“Theo kết quả nghiên cứu động vật đáy Vịnh Lan Hạ (Đinh Thanh Đạt… 2015), có 210 loài động vật đáy ở các vùng rạn san hô vịnh Lan Hạ. Có 4 loài thuộc nhóm da gai có giá trị cao về nguồn gen, trong đó có 2 loài đang được xếp ở mức nguy cấp (EN) là loài ốc đụn đực và bàn mai, có một loài được xếp ở mức sẽ nguy cấp (VU) là loài trai ngọc môi đen. Loài ốc đụn cái, đang được xếp ở mức rất nguy cấp (CR). Sự phân bố của các loài động vật đáy trên các rạn san hô ở Vịnh Lan Hạ không đồng đều, phụ thuộc vào mức độ được bảo vệ của các rạn. Các rạn san hô được bảo vệ tốt hơn có số lượng loài động vật đáy phân bố nhiều hơn (Vạn Bội, cửa Cát Dứa 1, Tai Kéo, Giỏ Cùng).
Hệ sinh thái hồ nước mặn: Theo nghiên cứu có khu vực quần đảo Cát Bà có hồ lớn nhất – Hồ Áng Vẹm rộng 28,8ha và hồ nhỏ nhất- hô Áng Trề Môi, rộng 0,7ha. Các hồ nước mặn ở đây là nơi lưu giữ những loài cổ xưa, tạo ra cơ hội tuyệt vời để theo dõi, nghiên cứu mối liên hệ giữa các yếu tố vật lý, khí hậu đến sự tiến hóa của sinh thái quần thể, của các loài.
Theo thống kê, quần đảo Cát Bà có trên 3.000 loài thực vật và động vật trên cạn và dưới biển. Trong số này có tới 130 loài được chính phủ Việt Nam và thế giới xác định là các loài quý hiếm được đưa vào Sách Đỏ để bảo vệ. Trong đó có tới 76 loài nằm trong danh mục quý hiếm của IUCN. Đặc biệt loài Voọc Cát Bà (Tên khoa học: Trachypithecus poliocephalus) là loài đặc hữu hiện nay chỉ còn một quần thể trên 60 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này. Loài này được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khuyến cáo trong danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, cần đặc biệt bảo vệ. Đây được coi là giá trị quý hiếm ngoại hạng toàn cầu và được Việt Nam vinh danh là Biểu tượng của Cát Bà.

Các vách đá vôi gần như thẳng đứng hướng ra biển, điển hình cho sự giao thoa biển – đảo cũng là nơi cư ngụ của một nhóm đặc biệt các loài cây. Các loài cây lá mọng hoặc trông xù xì như xương rồng (Tên khoa học: Euphorbia antiquorum), huyết giác (Tên khoa học: Dracaena cambodiana), chi tuế và dây leo không lá tiết căn (Tên khoa học: Sarcostemma acidum) mang lại cho thảm thực vật ở đây có dáng vẻ chống chịu hạn của thực vật sa mạc. Các vách đá cũng là sinh cảnh ưa chuộng của loài voọc Cát Bà và các loài thực vật đặc hữu như khổ cử đài tím (Chirita drakei), sóng bè Hạ Long (Paraboea halongensis), cầy ri Hiệp (Primulina hiepii), Tuế Hạ Long (Cycas tropophylla), bóng nước Hạ Long (Impatiens halongensis)…
Nếu quan sát tại khu vực đảo Hang Trai, khu vực đảo Đầu Bê, khu vực đảo Cống Đỏ…trên vịnh Lan Hạ, sẽ dễ dàng nhận thấy hệ thực bì ở đây nhiều cây to tươi tốt, Tại đây có nhiều hoa nở rộ thu hút nhiều loài chim đến sinh sống. Ngoài việc sở hữu những nét đặc trưng về văn hóa và đa dạng sinh học, Vịnh Lan Hạ còn là khu vực đã trải qua lịch sử phát triển địa chất lâu dài khoảng 18000 năm, nổi bật và rộng lớn về địa hình karst dạng tháp (fenglin) và dạng chóp (fengcong), đại diện cho quá trình tiến hóa địa hình karst ở giai đoạn cuối trong quá trình diễn tiến lớn từ các dãy núi cao xuống đến biển, nơi các địa hình karst cuối cùng đạt tới mực xâm thực cơ bản. Sở hữu khoảng 300 hòn đảo lớn, nhỏ cùng thảm thực vật phong phú, xanh tốt quanh năm, một mạng lưới các hang động và suối ngầm còn nguyên sơ, nhiều bãi cát vàng xinh xắn, đã phác họa nên một bức tranh thủy mạc thiên nhiên yên bình, lãng mạn cho Lan Hạ. Nơi đây có mật độ núi đá vôi dày đặc, với nhiều dáng vẻ chia cắt mặt biển thành những áng, vịnh nhỏ. Chính do các hòn đảo bao bọc nên môi trường nước trong vịnh Lan Hạ luôn trong xanh và phẵng lặng. Bên cạnh đó còn có các làng nhỏ nằm dọc bờ biển được kết nối bằng các con đường làng và đường mòn đơn giản. Một số ngôi làng ở trong các vịnh hẹp ẩn náu, đặc biệt quanh bờ Nam, nằm nổi trên biển. Tất cả đều phản ánh cách sống truyền thống của dân chài bắt cá đã tồn tại hàng thế kỷ qua. Các làng chài nổi với các thuyền cá truyền thống và bức tranh đầy mầu sắc này bổ sung một cách đáng kể tính đa dạng và vẻ đẹp độc đáo vào cảnh quan, tạo ra sự tương phản nổi bật trên nền cảnh những vách đá dựng đứng cheo leo. Các yếu tố đá, nước, rừng và bầu trời tổng hòa tạo thành một thế giới thiên nhiên đang thay đổi có vẻ đẹp và sức hấp dẫn khó cưỡng. Cảnh quan muôn màu phản ánh màu xám của đá núi, muôn sắc xanh lá rừng cây và sự chuyển tiếp giữa màu xanh biển sâu và màu lam trong các hồ nước ẩn náu cho tới các tùng áng và vịnh hẹp ẩn khuất trên biển. Một đặc điểm nổi bật là cảnh quan biến màu mỗi khi trời bắt đầu mưa. Đá vôi xám ngay lập tức chuyển sang đen bởi một lớp tảo lục lam bị dầm nước. Thế giới ngầm bị che dấu tại đảo Cát Bà gồm một mạng lưới các hang động và suối ít được khám phá. Một số ít được sử dụng làm điểm tham quan cho du khách nhưng còn lại rất nhiều hang động sông suối vẫn chưa được khám phá và còn nguyên trạng thái hoang sơ thiên nhiên.
Hành trình đi tìm “danh phận”
Năm 1986, Vịnh Lan Hạ nằm trong quần thể Quần đảo Cát Bà được Chính phủ Việt Nam xếp hạng Vườn Quốc gia trên biển. Năm 2004 được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới. Năm 2012 được xếp hạng Danh lam thắng cảnh đặc biệt cấp quốc gia. Nhờ vậy, Quần đảo Cát Bà được bảo vệ hiệu quả thông qua các luật có liên quan của Nhà nước Việt Nam và các Nghị định của Chính phủ. Trên cơ sở các luật, nghị định đó, mọi hoạt động diễn ra trong khu vực địa danh mà có tác động tới giá trị của Di sản đều có sự thông qua của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch và các Bộ ngành liên quan. Nhưng phải mất hàng chục năm sau, ngày 06/6/2020, Vịnh Lan Hạ đã chính thức được công nhận là một trong các vịnh đẹp nhất thế giới và trở thành thành viên thứ 46 của Hiệp hội, sánh vai cùng 3 thành viên đến từ Việt Nam là Vịnh Hạ Long, Nha Trang và Lăng Cô. Trong quãng thời gian đi tìm danh phận đó cho vịnh có thể kể đến các mốc quan trọng như tháng 12/2019, Đoàn công tác của (MBBW) đã khảo sát thực địa trên Vịnh Lan Hạ để thẩm định Hồ sơ đề nghị công nhận Vịnh Lan Hạ là thành viên của Hiệp hội. Trước đó, tháng 10/2019, tai Toyama (Nhật Bản), Lãnh đạo TP Hải Phòng đã thuyết trình công phu, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với Ban Chấp hành MBBW cùng đại diện các vịnh thành viên về vẻ đẹp của Vịnh Lan Hạ với 2 nhóm tiêu chí: văn hoá và thiên nhiên. Tiếp theo đó, Hội đồng Hiệp hội MBBW đã thông qua báo cáo thẩm định và biểu quyết nhất trí 100/100 đối với hồ sơ đề cử của Vịnh Lan Hạ.
Làm gì để phát huy và bảo tồn những giá trị của đóa hoa lan giáng trần?
Với tiềm năng phong phú được thiên nhiên ưu đãi và được tôn vinh trên thế giới rồi, một câu hỏi được đặt ra với chính quyền Hải Phòng là làm gì để phát huy và bảo tồn những giá trị của đóa hoa lan giáng trần? Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng, kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý Di sản thiên nhiên Quần đảo Cát Bà, Ông Trịnh Văn Tú khẳng đinh nhờ Vịnh Lan Hạ chứa đựng các giá trị đặc trưng riêng về văn hóa, cảnh quan và đa dạng sinh học nên cơ cấu kinh tế huyện Cát Hải được xác định là “ngư – công – nông – lâm nghiệp – du lịch – dịch vụ”, trong đó lấy ngư nghiệp làm kinh tế chủ đạo. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế huyện Cát Hải đã có tăng trưởng khá; hệ thống hạ tầng kỹ thuật được hình thành và phát triển ngày càng đồng bộ; các ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, du lịch có bước phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất của huyện; cảnh quan đô thị, diện mạo của huyện được đầu tư khang trang. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế doanh thu từ du lịch bình quân tăng 174%/năm, được xác định là trung tâm thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá của thành phố và vùng duyên hải Bắc bộ. Về du lịch, du khách tới thăm Vịnh Lan Hạ đều có một cảm giác kinh ngạc với những tháp núi, chóp núi cheo leo dường như nổi trên mặt biển, một số gắn vào các ngọn đồi phủ đầy cây cỏ các vách đá tô điểm vẻ đẹp kỳ bí. Trải nghiệm về thiên nhiên nơi đây mang đầy cảm hứng nhưng đòi hỏi phải có sự nỗ lực đồng bộ, hiệu quả để quản lý bền vững các giá trị của nó khi có nhiều người tới thăm. Trong thời gian tới, huyện Cát Hải nói chung và đảo Cát Bà nói riêng đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới được triển khai khẩn trương trên địa bàn huyện. Từ đó, đặt ra những vấn đề quản lý và khai thác lợi thế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, xây dựng đảo Cát Hải trở thành đảo thông minh, là trung tâm dịch vụ cảng biển của thành phố và các tỉnh phía Bắc, khu đô thị cảng xanh, văn minh, hiện đại. Đồng thời, cần phải tính toán phương án huy động tối đa các nguồn lực và lợi thế so sánh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển du lịch Cát Bà bền vững. Các hoạt động kinh tế – xã hội trên đảo cũng như trên biển được quy định rõ ràng và được giám sát, quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Công tác quản lý và bảo tồn còn được tăng cường thông qua các quy định, quy hoạch tổng thể và các kế hoạch hành động của thành phố Hải Phòng. 16 Quy chế phối hợp quản lý bảo tồn, phát huy giá trị vịnh Hạ Long và các vịnh trong quần đảo Cát Bà đã được ký với Ban quản lý vịnh Hạ Long với UBND huyện Cát Hải, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan quản lý và người dân cùng thực hiện. Ngoài ra, còn có các quy hoạch cụ thể về bảo vệ môi trường, phát triển và quản lý du lịch, các quy hoạch bảo tồn, đặc biệt là Kế hoạch Quản lý tổng thể Khu Dự trữ Sinh quyển, Quy hoạch tổng thể bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị Vườn Quốc gia Cát Bà đến năm 2020 đã được phê duyệt; Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà đã được các tổ chức thế giới đặc biệt quan tâm. Những định hướng dài hạn cho công tác quản lý tập trung vào các vấn đề: bảo tồn nguyên vẹn giá trị cảnh quan thiên nhiên, giá trị các hệ sinh thái nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình, các loài đặc hữu bản địa có giá trị toàn cầu và môi trường. Chính quyền và nhân dân địa phương nhận thức được giá trị của Vịnh Lan Hạ đang hướng tới việc tiếp tục tập trung các công tác tuyên truyền quảng bá về giá trị nổi bật, tiêu biểu, ngoại hạng mang tính toàn cầu của Vịnh Lan Hạ bằng nhiều hình thức và trên nhiều kênh truyền thông trong nước và quốc tế; phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, khách du lịch trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của Vịnh Lan Hạ; phát huy hơn nữa vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế trong công tác quản lý nhà nước. Nhưng đồng thời, Hải Phòng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về nguồn lực của các tổ chức quốc tế để bảo tồn và phát huy các gia trị của Vịnh Lan Hạ để Lan Hạ nói riêng, Cát Bà nói chung sẽ phát triển bền vững.
Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW) là một tổ chức quốc tế thành lập vào năm 1997 theo Pháp luật nước Cộng hòa Pháp và được UNESCO bảo trợ. Mục tiêu quan trọng nhất của Hiệp hội là chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi, quảng bá giữa các thành viên, bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên gắn liền với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Tính đến thời điểm năm 2019, Hiệp hội đã kết nạp 45 thành viên là các vịnh đến từ 27 quốc gia trên thế giới, trong đó có 3 thành viên đến từ Việt Nam là Vịnh Hạ Long, Nha Trang và Lăng Cô. Và thành viên thứ 46 là Vịnh Lan Hạ. |
HỒNG THÔNG – VĂN TÚ