Với sự năng động của lãnh đạo huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Nghi Lộc bước đầu đạt kết quả rõ nét, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đến nay toàn huyện đã có12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên.
Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trong quá trình triển khai thực hiện, Nghi Lộc đã đánh giá đúng thực trạng nông thôn từng xã, tìm ra tiềm năng lợi thế, chọn những giải pháp mang lại hiệu quả cao và phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương để xây dựng lộ trình phù hợp. Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban chỉ đạo nông thôn mới của huyện đã trực tiếp làm việc để nghe và cho ý kiến về công tác xây dựng nông mới tại các xã điểm. Qua đó định hướng kế hoạch, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Tập trung đôn đốc, kiểm tra định kỳ hàng tháng, hàng quý để lãnh đạo, chỉ đạo.

Nhằm tạo sự đồng thuận và khí thế thi đua giữa các địa phương, Nghi Lộc đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, huy động các đoàn thể cùng vào cuộc, xây dựng chuyên mục “Khởi sắc xây dựng nông thôn mới” tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh các xã với thời lượng tối thiểu 15 phút/tuần, có nhiều bài viết biểu dương các phong trào tiêu biểu, gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở các xã; có các bản tin hoạt động, bài viết tuyên truyền về nông thôn mới trên hệ thống truyền thanh truyền hình và nhiều bài viết, phóng sự về xây d.ựng NTM đăng trên báo trung ương thường trú tại nghệ an và báo đài trong tỉnh . Ủy ban MTTQ,, Ban dân vận huyện đã tập trung chỉ đạo cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, công tác huy động các nguồn lực, chỉ đạo giám sát cộng đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Các tổ chức đoàn thể chịu trách nhiệm vận động hội viên gương mẫu đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt năng suất chất lượng cao, hướng tới sản xuất hàng hóa. Triển khai thực hiện chương trình vệ sinh đường làng, công tác xoá đói giảm nghèo, quản lý bảo vệ tốt tuyến đường hội tự quản Thông qua công tác vận động, tuyên truyền, đã tạo được sự chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về nội dung, ý nghĩa của chương trình, vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều phong trào xây dựng nông thôn mới được lan tỏa ở các xã như: Phong trào hiến đất làm đường giao thông, phong trào chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08/CT.TU… Nhiều xã những năm trước khó khăn về tạo phong trào quần chúng xây dựng nông thôn mới, năm 2017 đã có nhiều tiến bộ như: Nghi Công Nam, Nghi Tiến, Nghi Hưng, Nghi Phong,… dân chủ cơ sở được phát huy, các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nghi Lộc được giao cho nhân dân bàn bạc, thảo luận và quyết định trên cơ sở định hướng của nhà nước. Vì thế, các phong trào hiến đất, làm đường giao thông thực sự hiệu quả. Từng bước đơn giản hóa thủ tục đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn để nông dân chủ động thực hiện.
Phương châm xây dựng nông thôn mới ở Nghi Lộc là “Cán bộ, đảng viên bắt tay làm trước để người dân học tập noi theo”. Bởi vậy, hơn 8000 Đảng viên của 74 tổ chức cơ sở Đảng đã gương mẫu, đi đầu thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhất là trong việc giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường, đóng góp ngày công để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Nhiều xã nhờ phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là các chi bộ cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị. Nhiều hộ dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển của quê hương đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, tự tháo dỡ tường rào, công trình dân sinh, đóng góp tiền của, công sức để xây dựng NTM. Sau 6 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới toàn huyện đã xây dựng được gần 200km đường được bê tông hóa. Gắn với phong trào đó đã có hơn 7000 hộ hiến đất. Trong đó, có 69.000 m2đất vườn, đất ở và hơn 518.000 m2 đất nông nghiệp. Đồng thời phá dỡ hơn 9.100m bờ bao, huy động 81.700 ngày công để xây dựng NTM.Xác định Xây dựng nông thôn mới là cốt lõi của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X “ Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ”, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước để phát triển khu vực nông thôn. Cấp ủy chính quyền ở huyện Nghi Lộc đã chỉ đạo 29 xã đẩy mạnh chuyển đổi ruộng đất, cơ cấu cây trồng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân học tập, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất chăn nuôi. Các giống mới năng suất chất lượng cao được đưa vào sản xuất để nâng cao hiệu quả lao động và giá trị sản xuất trên cùng diện tích, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của nhân dân 29 xã đã kiến tạo nên một diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn huyện Nghi Lộc ngày thêm khởi sắc. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 28,1 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,55%.
Có thể khẳng định, từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới cho đến nay thì từ suy nghĩ đến cách làm của người dân xã Nghi Lâm đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiệu quả trong sản xuất phát triển kinh tế được tăng cao, đời sống người dân đã nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn Nghi Lâm đang thay đổi rõ nét. Những đồng đất hoang hóa giờ đã được đổi thay bằng những gia trại chăn nuôi kết hợp trồng cỏ, trồng ngô và cây ăn quả. Những ruộng ngô sai bắp, những ruộng cỏ tốt tươi phục vụ chăn nuôi được bọc vây quanh những trang trại. Cùng với đó, hàng loạt trang trại, gia trại chăn nuôi kết hợp cũng được hình thành và có hiệu quả. Đặc biệt, mới đây, Nghi Lâm đã thu hút dự án chăn nuôi bò Úc vỗ béo tại xóm 4 với quy mô lưu chuồng 5 ngàn con một lứa. Kinh tế phát triển đã tạo đà để cấp uỷ, chính quyền ở địa phương này huy động được sức dân xây dựng nông thôn mới. Vậy nên, mặc dù xuất phát điểm xã Nghi Lâm còn 13 tiêu chí chưa đạt lúc khảo sát ban đầu nhưng sau 4 năm thực hiện, 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã được Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Nghi Lâm hoàn thành theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nông thôn. Với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Đặc biệt là vai trò tiên phong của mỗi một cán bộ Đảng viên trong từng chi bộ cơ sở Đảng của 29 xã đã và đang góp phần không nhỏ trong việc vận động và cùng với người dân hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từng bước góp phần xây dựng huyện Nghi Lộc phát triển toàn diện, bền vững.
Bài và ảnh : Nguyễn Sơn