Trở thành phong trào rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng,chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mớitrên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đangphát huy hiệu quả vượt trội.
Diện mạo mới phát triển kinh tế nông thôn
Là một trong những tỉnh có xã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất cả nước, Nghệ An đang dần trở thành gương tiêu biểu trong thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.Xây dựng cơ sở hạ tầng từng bước hiện đại, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Đồng thời, tình hình an ninh trật tự được giữ vững,môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường.

Ưu tiên triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất gắn với thực tiễn, chuyển giao ứng dụng, cùng với đó là tận dụng lợi thế của từng vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kết hợp chính sách giảm nghèo, nên tỷ lệ nghèo giảm nhanh, nhất là các huyện thuộc Chương trình 30a. Cơ sở vật chất về y tế, giáo dục, văn hóa xã hội được tiếp tục đầu tư đồng bộ, hiện đại; người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa xã hội ngày càng tốt hơn. Thông qua các đợt phát động, tỉnh Nghệ An đã huy động được toàn bộ các lực lượng, tầng lớp nhân dân, cơ quan, đoàn thể trong tỉnh tham gia xây dựng, sửa chữa hệ thống thủy lợi kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất ở địa phương.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2018, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã phối hợp với các địa phương xây dựng 5.369 mô hình thuộc 10 lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, xen canh, gia trại, trang trại, ngành nghề nông nghiệp, cơ giới, tổ hợp tác, cánh đồng mẫu). Trong số 5.369 mô hình có 4.245 mô hình được nhân rộng, nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực.Xác định nâng cao thu nhập cho người dân thông qua phát triển các mô hình sản xuất chính là yếu tố để duy trì bền vững kết quả xây dựng nông thôn mới.Nên việc thường xuyên tổ chức lớp học tham khảo mô hình phát triển kinh tế ở các vùng miền, trao đổi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất phù hợp với tiềm năng sẵn có, nhiều nơi đã xây dựngmô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, như :

Dựa vào lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ . Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thành ở xóm 4 đã mạnh dạn đưa giống bò thịt Thái Lan vào nuôi và khẳng định được hiệu quả vượt trội, với giá bán 80 nghìn đồng/kg hơi, trừ chi phí cho lợi nhuận 170 triệu đồng. Từ thành công của gia đình chị Thành, hiện nay nhiều hộ dân trong và ngoài xã đã đến tham quan, học tập, đầu tư chăn nuôi giống bò thịt Thái Lan. Đến nay, trên địa bàn Tân Kỳ đã có 6 hộ dân đầu tư nuôi giống bò này với mỗi hộ có tổng đàn trên 10 con.
Hay mô hình trồng thử nghiệm thâm canh giống dưa lưới trên địa bàn xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho năng suất chất lượng vượt trội, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trên diện tích 1.000 m2 trồng rau quả kém hiệu quả, được hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị Võ Thị Ngọc ở xóm Tâm Mỹ, xã Tam Hợp đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng 2.200 gốc dưa lưới trong nhà lưới, nhà màng theo công nghệ Nhật Bản với tổng kinh phí đầu tư trên 200 triệu đồng. Dưa lưới được trồng từ tháng 3/2018 đến nay cho thu hoạch vụ đầu tiên đạt năng suất cao (từ 45 – 60 tấn/ha). Quả có trọng lượng trung bình từ 1,5 – 2,5 kg, màu sắc bắt mắt, quả tròn đều, ruột quả có màu cam tươi, thơm ngọt. Tuy đây mới chỉ là vụ thử nghiệm đầu tiên trồng dưa lưới trên diện tích 1.000 m2, sau 3 tháng, vườn dưa cho năng suất khoảng 3 tấn và giá sỉ bán tại vườn từ 40 – 50 ngàn đồng/kg; trừ chi phí gia đình lãi khoảng 80 triệu đồng”.Từ kết quả bước đầu của mô hình dưa lưới trồng trong nhà lưới, nhà màng của gia đình chị Ngọc, ước tính mô hình sản xuất dưa lưới mang lại thu nhập cho bà con từ 300 – 350 triệu đồng/ha; mở ra hướng chuyển đổi sinh kế bền vững cho bà con nông dân nơi đây.
Quyết tâm trở thành tỉnh khá Nông thôn mới
Đến cuối năm 2017 toàn tỉnh Nghệ An đã có 181/431 xã, 46 thôn, bản và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đạt bình quân 14,68 tiêu chí/xã(tăng 11,04 tiêu chí so với năm 2010), hệ thống hạ tầng phát triển mạnh mẽ, nhất là ở các vùng khó khăn.Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận cư dân được nâng lên đáng kể. Thu nhập khu vực nông thôn từ 12 triệu đồng/người/năm, nay đã tăng lên 24,8 triệu đồng/người/năm.

Mục tiêu từ năm 2018-2020 Nghệ An có 61,5% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới và có thêm 1- 2 huyện đạt tiêu chuẩn huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia quy định tại Quyết định 491/QĐ-TTg. Để đạt kế hoạch đề ra, các cấp ngành của tỉnh đãđưa ra nhiều giải pháp để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cho các năm tiếp theo. Như cần phải chỉ đạo sản xuất, xây dựng mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các xã khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển, trong đó chú trọng đến việc xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch, lộ trình giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn và phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của địa phương.

Xây dựng môi trường, cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp, an toàn là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, tổ chức các đội tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn, bản. Tiếp thu chọn lọc và có cách làm riêng phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh; kiên định với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; đưa các tổ chức xã hội nghề nghiệp vào cùng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; kiên trì gắn việc tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; xác định vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới; phát triển nông thôn mới gắn với phát triển văn hoá nông thôn.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, tỉnh Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc khi nhiều địa phương “bê tông hoá” quá mức, cảnh quan, vệ sinh môi trường không được chú trọng, huy động các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, phát triển sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường… chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, để đưa tỉnh Nghệ An trở thành địa phương đi đầu thực hiên chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và sự cố gắng, quyết tâm vươn lên của người dân.
Nguyễn Sơn – Nguyễn Thu