Từ ngày 6 đến 8/10, mưa lớn trên diện rộng lên toàn tỉnh Quảng Trị đã gây ra ngập lụt hầu hết các địa phương từ miền núi đến đồng bằng, sơ bộ tính đến trưa 8/10 đã có 8 người mất tích, đến nay một bé gái 4 tuổi đã tìm thấy thi thể và 7 người còn lại chưa rõ.
Báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết tính đến 7h sáng ngày 8/10/2020, mưa rất to trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, phổ biến từ 500-600mm. Trong đó, một số nơi như Hướng Hiệp 639mm, Đầu Mầu: 548, Vĩnh Ô, 658mm, Mỹ Chánh 523mm; mực nước các sông đang lên, hầu hết vượt mức báo động 2, một số nơi như Gia Vòng, Đầu Mầu vượt trên báo động 3.


Để kịp thời ứng phó với tình hình phức tạp của đợt mưa lũ này, các ngành chức năng đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh cập bến an toàn. Đã kêu gọi 33 chiếc tàu thuyền ngoài tỉnh với 330 thuyền viên vào khu neo đậu tránh trú bão.
Cũng trong sáng nay, tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, tại khu vực biển Cửa Việt, hiện có 2 tàu bị chìm gồm tàu Vietship 12 và Vietship 9; 2 tàu bị mắc cạn gồm tàu Vietship 1 và tàu Hoàng Tuấn 26. Trong đó, tàu Vietship 12 có 5 thuyền viên, hiện đã tìm được 3 thuyên viên trôi dạt đến phao số 0 và được tàu Việt Ship 1 cứu vớt, còn 2 thuyền viên đang được tìm kiếm. Số thuyền viên trên các tàu bị chìm và mắc cạn còn lại đã vào bờ an toàn.
Hiện các địa phương đang tập trung lực lượng di dời dân và tài sản đến nơi an toàn, đồng thời thông tin cho những hộ dân có nguy cơ cao bị sạt lở, trũng sâu chủ động di dời để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ sở khẩn trương và tập trung cho công tác phòng chống lũ lụt với yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân. Trước hết, các cơ quan đơn vị liên quan khẩn trương di dời người dân từ vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn. Thông báo cho học sinh nghỉ học và hoãn các cuộc họp, hội nghị chưa thực sự cần thiết để tập trung cho công tác phòng chống lũ lụt. Đồng thời đề nghị lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để khẩn trương chỉ đạo, thông báo cho người dân biết, chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, nghiêm cấm dân đi đánh bắt cá, vớt củi trên các sông suối, tuyệt đối không được lơ là chủ quan. Các lực lượng chuẩn bị kịp thời ứng phó
và hỗ trợ khi cần thiết, có phương án bảo về tài sản cho người dân. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương và các ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, thuốc, nước sạch cũng như các nhu yếu phẩm sinh hoạt cho người dân trên địa bàn khi phải thực hiện sơ tán.
Theo báo cáo nhanh của huyện Cam Lộ, tính đến 10h ngày 8/10/2020, đã có gần 2000 nhà dân vùng thấp trũng ven sông Hiếu bị ngập lụt, tập trung ở các xã: Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Hiếu, Thanh An và thị trấn Cam Lộ. Hiện tại công tác di dời dân và ứng phó với diễn biến thời tiết đang tiếp tục được theo dõi và triển khai.
Tại Gio Linh, tính đến 13 giờ 30 ngày 8/10/2020 có 2 người bị nước cuốn trôi, 3 nhà bị tốc mái thiệt hại 30% tại thị trấn Gio Linh và xã Gio Quang; đã di dời 30 hộ/112 nhân khẩu tại xã Trung Sơn. Một số khu vực hiện tại đang bị chia cắt như: Thôn Khe Me, thôn Sông Ngân xã Linh Trường; thôn Trảng Rộng, xã Hải Thái.
Theo ghi nhận tại huyện Vĩnh Linh, mưa lớn kéo dài từ chiều ngày 7/10/2020 đến hôm nay 8/10/2020 đã gây ra tình trạng ngập trên diện rộng. Một số xã bị ngập úng cục bộ. Riêng xã Trung Sơn có 166 ha nuôi tôm bị ngập trong lũ. Đặc biệt, nhiều tuyến đường bị ngập vì không kịp thoát nước, nước tràn thẳng vào các khu dân cư gây ra tình trạng ngập cục bộ ở vùng thấp trũng như: Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn…
Bên cạnh đó, mưa lớn cũng đã gây xói mòn, sạt lở ở một số công trình xây dựng đang thi công, các tuyến đường vùng nông thôn, điểm trường và công trình phục vụ dân sinh.
Sau khi đi kiểm tra tình hình ảnh hưởng do mưa lũ trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động ứng phó trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” với các phương án tối ưu nhất để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị chủ động kiểm tra, rà soát các công trình hồ, đập thủy lợi; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động xử lý các sự cố đảm bảo an toàn công trình.
Cử các lực lượng chốt chặn tại các điểm bị ngập sâu không cho người dân và các phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn cho tính mạng của nhân dân. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, tăng cường theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết, chủ động nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời để xử lý khi có tình huống; sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Cùng với đó, chủ động tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ, nhân dân khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống và lao động sản xuất.


Văn Hanh