25.8 C
Hanoi
Thứ Hai, 19 Tháng 5, 2025

“Khoán công tác duy tu, vận hành, kết hợp nâng cấp cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED theo mô hình xã hội hóa”

Thực hiện nghị định 130/2013/NĐ của chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và từng bước tiết giảm đầu tư công trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng, chính quyền các đô thị đang xây dựng các phương án nhằm mục tiêu: Tiết giảm tối đa chi phí từ nguồn vốn ngân sách và nâng cao chất lượng chiếu sáng, giảm điện năng tiêu thụ. Ánh sáng và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn Tổng giám đốc cty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico), Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam (CSVN – VLA) về việc Hapulico và các đơn vị trong VLA triển khai thực hiện chủ trương trên.

Ông Nguyễn Anh Tuấn
Ông Nguyễn Anh Tuấn

Phóng viên(PV): Thưa ông, ngày 21/4/2017 sắp tới Hội CSVN tổ chức Hội thảo khoa học chiếu sáng toàn quốc, một trong những nội dung quan trọng lần này được thảo luận là việc đấu thầu, đặt hàng quản lý chiếu sáng đô thị và cơ chế nguồn lực đầu tư cải tạo về hệ thống chiếu sáng bằng công nghệ LED tại các đô thị, ông có thể cho bạn đọc hiểu thông tin cơ bản về vấn đề trên?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết chúng ta cần biết các đặc thù và thực trạng của công tác quản lý, vận hành (QLVH) Hệ thống Chiếu sáng công cộng (CSCC)ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành. Kinh phí ngân sách bố trí cho các lĩnh vực công ích của đô thị, thì kinh phí duy tu bảo trì cho chiếu sáng đô thị (CSĐT) được cấp từ ngân sách nhà nước là thấp nhất so với các lĩnh vực hạ tầng khác của đô thị. Mang tính hệ thống cao: Các trạm đèn chiếu sáng công cộng được lắp thiết bị điều khiển và giám sát từ trung tâm cho phép đóng, cắt linh hoạt theo tình hình thời tiết tiết kiệm điện năng và tăng cường khả năng giám sát các sự cố (chạm chập, mất pha, câu móc điện..) giảm được nhân công đi kiểm tra lưới đèn; Có thể ứng dụng các tiến bộ khoa học & công nghệ như: công nghệ thông tin địa lý GIS vào quản lý Hệ thống CSCC, cho phép tích hợp chung vào cổng thông tin hạ tầng chung của đô thị. Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, thất thoát điện năng tiêu thụ, đặc biệt là trong khu vực ngõ, xóm của các đô thị.
Những năm qua do ngân sách còn nhiều hạn chế Hệ thống CSCC duy tu, duy trì theo phương thức “ Hỏng đâu sửa đấy” nên chất lượng xuống cấp nhiều. Bên cạnh đó phương thức nghiệm thu thanh toán tiền điện và duy trì là thực thanh thực chi. Trong tổng tiền đó, tiền điện chiếm khoảng 60% tổng kinh phí cho CSCC. Những năm vừa qua tổng kinh phí cấp cho CSCC đều giảm, tuy nhiên tiền điện tăng đều trong các năm do khối lượng đèn chiếu sáng lại tăng lên, do vậy thực chất kinh phí dành cho duy tu, duy trì giảm rất sâu. Việc nợ đọng tiền điện cho CSCC gây khó khăn cho đơn vị quản lý chiếu sáng được ủy quyền ký hợp đồng tiêu thụ điện cho CSCC với các công ty điện lực.
PV: Vậy điều đó liên quan gì đến công tác đấu thầu quản lý chiếu sáng?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Công tác xây dựng kế hoạch và bố trí vốn cho công tác quản lý Hệ thống CSCC tại các đô thị hiện nay chủ yếu dựa trên hình thức đặt hàng – Thành phố bố trí vốn trên cơ sở đơn vị được giao quản lý Hệ thống CSCC, xây dựng dự toán đã được chủ đầu tư phê duyệt trong đó bao gồm khối lượng cần duy tu, duy trì, nâng cấp và điện năng tiêu thụ cho Hệ thống CSCC. Tuy nhiên xu hướng đấu thầu công tác quản lý CSCCđang được chính quyền các đô thị xây dựng cơ chế để thực hiện trong thời gian tới. Qua triển khai, việc phân cấp và công tác đấu thầu quản lý chiếu sáng tại Hà Nội và một số địa phương cho thấy có nhiều tiến bộ so với cơ chế cũ đó là: bước đầu  minh bạch trong việc lựa chọn đơn vị đủ năng lực thực hiện công tác duy trì hệ thống CSCC. Tuy nhiên, khó lựa chọn đủ nhà thầu có đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật đấu thầu để tham gia quá trình đấu thầu đối với các đô thị lớn như Hà nội, TPHCM. Tiếp là việc phối hợp được với các chủ đầu tư trong việc chủ động kiểm tra chất lượng duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng tại các khu dân cư, ngõ xóm. Đáp ứng được đòi hỏi của dân cư về chất lượng dịch vụ và giải quyết kịp thời các bức xúc dân sinh. Và rõ được việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các đơn vị trúng thầu trên từng địa bàn hoạt động. Từ đó so sánh kết quả đạt được giữa các đơn vị trúng thầu qua đánh giá chất lượng phục vụ.
Sau thời gian thực hiện, công tác này đã bộc lộ  hạn chế và bất cập như: Theo Luật đấu thầu rất ít nhà thầu có đủ năng lực tham gia quá trình đấu thầu đối với các đô thị lớn như Hà nội, TPHCM trên dẫn đến việc đấu thầu trở nên hình thức. Tiếp đến là chi phí điện năng tiêu thụ chiếm tỉ trọng lớn trong giá gói thầu (xấp xỉ 50%) và được thanh toán theo thực thanh, thực chi. Do đó muốn tăng chi phí cho các công tác duy trì, sửa chữa lưới thì phải làm giảm chỉ số điện năng tiêu thụ. Trong khi đó khối lượng chào thầu mang tính ổn định theo từng giai đoạn gây ra bất cập trong việc thúc đẩy nhà thầu áp dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng và trong công tác quản lý để tiết kiệm chi phí tiền điện cho ngân sách nhà nước. Nếu đảm bảo việc ứng dụng công nghệ vào quản lý lưới sẽ buộc nhà thầu phải linh hoạt đóng cắt thời gian bật tắt hệ thống chiếu sáng, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, tỷ lệ sáng của hệ thống dẫn đến các bức xúc dân sinh và nhiều hệ luỵ khác về giao thông, trật tự đô thị. Một vấn đề rất đặc thù của ngành CSCC là: Hệ thống chiếu sáng là một hệ thống ổn định và liên hoàn từ trạm biến áp, tủ điện điều khiển cấp nguồn đến toàn bộ lưới điện từ đường phố đến ngõ xóm, khó phân tách về địa dư hành chính. Việc này gây khó khăn và phát sinh chi phí cho cấp nguồn, lưới cáp để đầu tư phân tách về khối lượng để thực hiện việc đấu thầu.
PV: Vậy đối với công tác đặt hàng công tác quản lý, duy trì hệ thống CSCC ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc quản lý thống nhất hạ tầng kỹ thuật giúp tiết kiệm ngân sách về bộ máy quản lý, kinh phí triển khai thực hiện do chỉ thực hiện những công việc thực sự cần thiết, điều tiết hợp lý các đầu mục công việc. Từ đó chủ động xây dựng được các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn trong việc ứng dụng công nghệ mới trong việc tiết kiệm điện năng; ban hành các qui chế, các quy phạm đối với các đơn vị thực hiện quản lý nhằm tiết kiệm tối đa nguồn lực tài chính để đảm bảo thực hiện khối lượng đặt hàng. Chủ động lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu, hiểu rõ địa bàn quản lý Hệ thống CSCC như hiện nay. Chủ động xây dựng được khối lượng, hạng mục công việc sát với thực tế phù hợp với sự biến đổi lưới đèn hàng năm và quản lý được nguồn kinh phí bố trí. Đó là thế mạnh và ưu điểm của công tác này.
Nếu chúng ta chỉ coi đây là “lợi thế” bầu sữa mẹ để tận hưởng thì tính chất cạnh tranh trong công tác giao nhận việc thấp hơn so với thực hiện đấu thầu.
Như mọi người đều biết, công nghệ đèn LED cho chiếu sáng đô thị ngày nay đã khẳng định được vai trò và ưu thế vượt trội so với các loại nguồn sáng truyền thống trên phương diện thẩm mỹ, tuổi thọ cao và tiết kiệm năng lượng. Hiện tại đèn LED chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các nguồn sáng hiện đang lắp đặt tại các đô thị trong cả nước (như thành phố Hà nội mới lắp đặt 4820 bộ đèn LED chiếm tỷ lệ 3,8% trên tổng số đèn các loại của HTCS TP Hà nội do Hapulico quản lý). Với chí phí đầu tư ban đầu cao, không thể trông chờ vào nguồn vốn ngân sách để thay thế các loại đèn cũ bằng đèn LED mà cần phải đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Giải pháp đã được nhiều hội thảo đề cập đến để thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong chiếu sáng đô thị là áp dụng mô hình ESCO.
PV: Vậy những khó khăn và rào cản đối với hoạt động ESCO trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị?  
Ông Nguyễn Anh Tuấn: ESCO đối với lĩnh vực chiếu sáng phục vụ sinh hoạt, trong tòa nhà, nhà xưởng sản xuất: Áp dụng tiền điện kinh doanh có giá thành cao, lũy tiến tăng dần; Chủng loại thiết bị chiếu sáng LED đa dạng, do dễ dàng thay thế nên không yêu cầu khắt khe về chất lượng như đèn LED chiếu sáng đường phố nên có giá thành rẻ, áp dụng mô hình ESCO hiệu quả. Còn đối với lĩnh vực chiếu sáng đô thị thì ESCO: tiền điện phục vụ lĩnh vực công ích được áp dụng một mức giá cố định (thấp hơn so với giá điện sinh hoạt và kinh doanh) và giá đèn LED yêu cầu chất lượng cao hơn nên có giá thành cao. Nếu chỉ trông chờ vào việc tiết kiệm chi phí điện để khấu hao đèn thì sẽ không khả thi (Ví dụ 1 bộ đèn với giá khoảng 10 triệu, nếu tiết kiệm được 50% công suất với giá điện như hiện nay thì phải sau 15 năm mới thu hồi được đủ số tiền đầu tư đèn). Vì vậy, phải kết hợp Tiết kiệm điện với việc hợp lý hóa các chi phí khác trong quản lý vận hành Hệ thống CSCC. Được thể hiện ở bốn điểm sau: 1/ Công tác đấu thầu quản lý CSCC thường thực hiện trong vòng 5 năm nên khó kết hợp với công tác thay đèn LED thời gian hoàn vốn thông thường 15 năm. 2/ Cơ chế nghiệm thu thanh toán CSCC theo kiểu thực thanh thực chi (không khoán theo kết quả cuối cùng) không tạo nguồn cho doanh nghiệp đầu tư thay đèn LED. 3/Cơ chế để lấy chênh lệch tiền điện bù lại chi phí đầu tư ban đầu của đèn LED  chưa có tiền lệ thực hiện. 4/ Chưa có bộ tiêu chuẩn chung cho việc ứng dụng đèn LED vào hệ thống chiếu sáng đường phố. Hiện nay, Việt nam chưa có tiêu chuẩn, qui chuẩn chính thức qui định cho việc sử dụng đèn LED trong chiếu sáng công cộng. Đây cũng là vấn đề khó khăn cho cả chủ đầu tư và nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án đèn LED. Các thông số kỹ thuật của đèn LED được lựa chọn và đưa vào vào phần mềm tính toán đảm bảo kỹ thuật chiếu sáng cơ bản khi thay thế tương đương hoặc tốt hơn so với hệ thống chiếu sáng sử dụng nguồn sáng truyền thống hiện nay.
PV: Là TGĐ doanh nghiệp hàng đầu và  là Phó Chủ tịch VLA, ông có ý kiến và định hướng gì cho DN và Hội viên về quản lý Hệ thống CSCC và Xã hội hóa đầu tư cho CSCC, đặc biệt là đối với các đô thị lớn?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Từ nhưng phân tích trên có thể thấy phương án tối ưu để kết hợp thực hiện cùng một lúc 2 mục tiêu: Thống nhất quản lý Hệ thống CSCC và Xã hội hóa đầu tư cho CSCC đặc biệt là đối với các đô thị lớn như Hà nội và thành phố Hồ chí Minh là: Khoán công tác duy tu, duy trì, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng Thành phố Hà nội kết hợp với việc từng bước đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống chiếu sáng bằng công nghệ đèn LED theo mô hình xã hội hóa.
Ưu điểm của phương án này là: Quản lý tập trung, đúng qui chuẩn để đảm bảo vừa vận hành tốt hệ thống vừa tiết kiệm điện năng, tránh trường hợp nhiều chủ đầu tư và nhiều công ty cùng quản lý CSCC dẫn tới sự không đồng bộ trong vận hành hệ thống đèn chiếu sáng; Tổ chức đặt hàng hoặc đấu thầu công tác quản lý, vận hành, duy trì hệ thống CSCC theo hình thức khoán chi phí trên cơ sở áp dụng đơn giá hiện tại có tiết kiệm giảm giá hoặc đơn giá mới do chính quyền các đô thị ban hành. Phần kinh phí tiết kiệm từ tiền điện tiêu thụ hàng năm sẽ được đầu tư thay thế các choá đèn cũ sử dụng công nghệ cũ trên lưới bằng đèn LED tiết kiệm năng lượng. Đảm bảo từ 5-10 năm căn bản thay thế toàn bộ các choá đèn cũ trên lưới đèn chiếu sáng hiện có; Huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội để từng bước tiết giảm tối đa chi phí từ nguồn vốn ngân sách trong các công tác: Đầu tư cải tạo chỉnh hệ thống chiếu sáng đô thị và quản lý vận hành hệ thống CSCC; Tăng cường công tác thay thế, ứng dụng các thiết bị chiếu sáng công nghệ mới có hiệu suất chiếu sáng cao trong công tác đầu tư xây dựng mới, cải tạo hệ thống chiếu sáng; Hướng tới mục tiêu nâng cao chất chất lượng chiếu sáng và tiết kiệm tối đa chi phí cho năng lượng và duy tu bảo trì hệ thống chiếu sáng; Giảm điện năng tiêu thụ cho CSCC, đồng thời giảm chi phí duy trì thay thế thường xuyên nhằm giảm gánh nặng ngân sách chi tiêu để bổ xung vào nguồn đầu tư; Các tuyến đường giao thông được chiếu sáng đầy đủ với chức năng định vị, dẫn hướng, có tính thẩm mỹ cao tạo nên diện mạo mới cho đô thị theo hướng hiện đại, kết hợp hài hòa với các công trình kiến trúc, hệ thống cây xanh bóng mát tạo nét văn hóa riêng cho các đô thị; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, hiện đại hoá công nghệ chiếu sáng đô thị trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý duy trì hệ thống chiếu sáng.
Xây dựng mô hình quản lý đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý vận hành, tạo điều kiện ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị, vừa phát huy hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực quản lý vận hành chiếu sáng công cộng, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước – Doanh nghiệp và xã hội là một vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách. Các đơn vị quản lý chiếu sáng tại các đô thị, các cơ quan chuyên ngành cần kiến nghị với cácchính quyền đô thị khi xây dựng cơ chế quản lý CSCC và huy động nguồn lực đầu tư, cải tạo Hệ thống chiếu sáng hiện có bằng đèn LED cần phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Một là, Công tác đấu thầu quản lý Hệ thống CSCC công khai minh bạch nhưng phải đáp ứng tiêu chí năng lực nhà thầu (Nhân lực, xe máy & trang thiết bị chuyên dùng, cơ sở vật chất, ứng dụng Khoa học công nghệ….). Hai là, Tiền điện cho Hệ thống CSCC thanh toán theo hóa đơn thực tế và được quyết toán 1 lần vào cuối năm. Ba là,Tiền quản lý vận hành và duy tu sửa chữa Hệ thống CSCC: Khoán theo kết quả cuối cùng. Bốn là, Kiểm soát chặt chẽ chất lượng đèn LED được thay thế cho Hệ thống CSCC.
PV: Xin cám ơn ông!

Quang Hùng(thực hiện)

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT