TS Trần Bá Quốc ở Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao của Trường Đại học Duy Tân vừa có bài “Tiếp tục phát triển nhiệt điện than: Việt Nam cảnh báo nguy cơ dễ bị tổn thương hơn bởi Covid-19”, tổng hợp kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã được công bố trên các tạp chí uy tín. Theo đó, môi trường không khí càng ô nhiễm, tốc độ bùng phát dịch Covid-19 càng cao mà nhiệt điện than là một tác nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Nội dung bài viết như sau.

Virus Corona xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019 rồi bùng phát lan nhanh toàn cầu, đến ngày 17/6/2021, toàn thế giới có 177 triệu ca nhiễm và 3,83 triệu trường hợp tử vong do mắc Covid-19. Riêng ở Việt Nam, có 11.794 ca nhiễm và 61 trường hợp tử vong do nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại con người vẫn chưa khống chế được sự bùng phát (lây lan, chết) do loại virut này gây ra. Đây là vấn đề nhức nhối và đang thu hút nhiều sự quan tâm của cả loài người.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, sự bùng phát Covid-19 có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như: Chiến lược kiểm soát dịch bệnh, tuân thủ các chiến lược kiểm soát, khoảng cách xã hội, mật độ dân số, độ tuổi, điều kiện kinh tế xã hội, thời tiết, cũng như ô nhiễm không khí (ONKK).

Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã thực hiện các nghiên cứu về mối tương quan giữa ONKK và bùng phát Covid-19. Kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế cho thấy việc phơi nhiễm lâu ngày với ONKK tỷ lệ thuận với số lượng ca mắc/tử vong do nhiễm Covid-19 – môi trường không khí càng ô nhiễm, tốc độ bùng phát dịch Covid-19 càng cao. Trung bình, cứ tăng 1μg/m3 PM2.5, NO2, hoặc O3 trong không khí, người dân phơi nhiễm lâu ngày với môi trường này sẽ có tỷ lệ tử vong do nhiễm Covid-19 tăng lên lần lượt là 7,34%, 2,15% hoặc 1% [12-18]. Nếu nồng độ PM10 trong không khí tăng 1 μg/m3, số lượng ca nhiễm Covid-19 của người dân sẽ tăng 4,5%.
Mối tương quan thuận giữa ONKK và tỷ lệ lây nhiễm/tử vong do Covid-19 được các nhà khoa học giải thích dựa trên hai cơ chế: cơ chế vật lý và cơ chế sinh học. Theo cơ chế vật lý, virus Covid-19 có thể bám trên bề mặt các hạt bụi mịn PM2.5, PM10 để phát tán xa hơn trong không khí, từ đó làm gia tăng khả năng lây nhiễm. Theo cơ chế sinh học, việc phơi nhiễm lâu ngày với các chất ONKK sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, như làm gia tăng các bệnh: ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính, rối loạn chức năng phổi/hen suyễn, phản ứng phế quản. Khi sức khỏe con người bị tác động tiêu cực bởi việc phơi nhiễm ONKK lâu ngày sẽ có sức đề kháng với virus Covid-19 kém hơn so với những người sinh sống trong môi trường ít bị ONKK, từ đó sẽ làm tăng khả năng bị lây nhiễm/tử vong so với những người có sức khỏe tốt.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch sẽ thải ra môi trường không khí nhiều chất thải nguy hại. Quá trình đốt than ở các nhà máy nhiệt điện thải ra 84/187 chất thải nguy hại trong không khí (được xác định bởi Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ). Các chất ô nhiễm nguy hại được tìm thấy như SO2, NO2, CO, As, Hg, Be, Cd, Pb, Mn, Ni, và bụi mịn (PMx). Nhiều nghiên cứu khác ở Ấn Độ, Trung Quốc hay châu Âu cũng cảnh báo rằng “việc đốt than đã phát thải nhiều chất ô nhiễm nguy hại ra môi trường không khí”.
Tại Việt Nam, nhiệt điện than hiện đang là nguồn cung cấp điện chủ đạo. Công suất lắp đặt của các nhà máy nhiệt điện than đã tăng đáng kể từ khoảng 3 GW năm 2010 lên 20,2 GW năm 2019 (chiếm khoảng 36% tổng công suất điện lắp đặt). Tổng sản lượng điện phát của các nhà máy điện than năm 2019 khoảng 120 tỷ kWh, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện phân phối. Hiện tại, ở Việt Nam có 32 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, hầu hết các nhà máy này nằm ở khu vực Đông Bắc Bộ, gần các mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, có 8 nhà máy đang được xây dựng và 27 nhà máy nằm trong kế hoạch.
Hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường không khí. Tại 100% các cơ sở khai thác và chế biến than, nồng độ bụi trong không khí cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam từ 30 đến 300 lần [29]. Các cuộc khảo sát người dân sống tại các tỉnh có nhà mà nhiệt điện than như: Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tỉnh, Trà Vinh, Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương… đều cho rằng chất lượng không khí ngày càng xấu đi kể từ khi dự án nhiệt điện than đi vào hoạt động. Theo quy hoạch, đến năm 2030 tổng công suất lắp đặt các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sẽ là 16.961MW, cao hơn 19% so với năm 2020 (14.281 MW). Do đó, nếu Việt Nam tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than thì việc chất lượng không khí sẽ tiếp tục bị tác động mạnh hơn nữa là điều khó tránh khỏi. Theo kết quả mô phỏng, nếu phát triển nhiệt điện than theo quy hoạch này thì nồng độ các chất SO2, NOx, và PM2.5 được thải ra môi trường trong năm 2030 sẽ cao hơn năm 2011 lần lượt 7, 8.6 và 7 lần.
Như đề cập ở trên, việc phơi nhiễm lâu ngày với môi trường ô nhiễm không khí sẽ làm gia tăng khả năng bùng phát Covid-19. Việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ dẫn đến gia tăng ô nhiễm môi trường không khí, từ đó sẽ góp phần làm gia tăng tính dễ bị tổn thương bởi Covid-19. Đây là một trong những yếu tố cần được lưu tâm trong quá trình ra quyết định liên quan đến quy hoạch phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam.
SÁU NGHỆ (giới thiệu)