Nỗ lực vào cuộc
Về Thường Xuân hôm nay, chúng tôi mới thấy rõ và hiểu hơn kết quả, công sức đạt được xây dựng và những khó khăn của chính quyền và nhân dân trong quá trình xây dựng NTM của địa phương, bắt tay vào xây dựng NTM, Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM của huyện đã mở những buổi bồi dưỡng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến các xã, thôn.
Tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho người dân để bảo đảm sinh hoạt và sản xuất, đây là khâu then chốt đối với huyện có địa hình phức tạp. Xác định kinh phí xây dựng đường giao thông liên xã, liên thôn, ngõ xóm, giao thông nội đồng lớn hơn rất nhiều lần so với các xã miền xuôi, nên năm 2014 huyện đã tập trung xây dựng mới 12,9km đường trục liên xã, 21,45km đường liên thôn, bản và 20km đường ngõ xóm; mở rộng, giải tỏa 75,2km hành lang đường liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm. Tu sửa 05 trạm bơm, hồ đập, làm mới 6,3km kênh mương nội đồng, tổ chức nạo vét gần 40km kênh mương nội đồng đảm bảo nước tưới cho sản xuất. Lắp đạt 09 trạm biến áp, làm mới 4,5km đường dây hạ thế. Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhà đạt chuẩn theo quy định được 280 nhà…Ngoài kinh phí của Trung ương và địa phương, nhân dân đã đóng góp: 74.604 ngày công, hiến đất với 56.150m2 đất ở, đất vườn và hàng chục ngàn cây cối để xây dựng các công trình trên địa bàn các xã.
Nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu số một của chương trình, đặc biệt huyện nghèo như Thường Xuân. Để giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất, Huyện đã tập trung hỗ trợ cho các xã, hộ sản xuất phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng theo hướng tập trung, tạo những giống, sản phẩm, đặc sản đặc trưng của vùng có giá trị kinh tế, xây dựng các mô hình như: mô hình trồng cam canh Cao Phong ở xã Xuân Cao (06 hộ gia đình), mô hình nuôi chim bồ câu Pháp ở xã Lương Sơn (25 hộ gia đình) và mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh ở xã Xuân Thắng (30 hộ gia đình). Sau một thời gian triển khai, mô hình này đã phát triển bền vững, nhân rộng ra toàn huyện. Lồng ghép Chương trình 30a và 135, thực hiện mô hình chăn lợn nái Móng Cái sinh sản, huyện đã hỗ trợ 865 con lợn Móng cái sinh sản (lợn 20kg/con), 140 con bò; hỗ trợ 90 con dê, cho gần 1000 hộ gia đình, trên địa bàn 10 xã, hỗ trợ 237 đàn ong mật cho 79 hộ gia đình xã Xuân Chinh. Về cây trồng, huyện đã hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp cho 976 hộ với diện tích là 65 ha, đưa các loài cây trồng có giá trị kinh tế cao, định hướng vùng sản xuất chuyên canh như: cây táo đường, chuối tiêu hồng, chanh tứ quý, cam đường canh, chuối tây, bưởi Diễn, na dai, mít thái, cây mắc ca, cây quế…; xây dựng mô hình 35 hộ gia đình trồng rau sạch với diện tích 2 ha, hỗ trợ 92 hộ gia đình trồng ngô đông trên đất 2 lúa với diện tích là 6,35 ha, hỗ trợ 33.727 kg phân viên nén, 156,8 kg giống lúa cho 479 hộ.

Không chỉ giúp bà con về giống cây, con, năm 2014, phòng nông nghiệp huyện tổ chức 116 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loài cây trồng, vật nuôi cho 5.309 lượt người tham gia ở 135 thôn bản. Từ sự hỗ trợ, đầu tư trên và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học sử dụng các bộ giống mới năng suất, chất lượng vào trong canh tác, năng suất sản lượng năm 2014 trên địa bàn đã vượt kế hoạch đề ra: năng suất lúa đạt 54 tạ/ha, sản lượng đạt 33.779 tấn cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 là 3.209 tấn. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp tiếp tục tăng lên từ 716,8 tỷ đồng năm 2013 tăng lên 950,55 tỷ đồng năm 2014 (tăng 233,75 tỷ đồng).
Từ việc vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đồng lòng của cán bộ và nhân dân trong huyện, bước đầu hạ tầng cơ sở vật chất của địa phương đã khởi sắc, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất cho người dân. Chương trình xây dựng NTM đang dần trở thành phong trào và đạt được những kết quả quan trọng; cuộc sống người dân nông thôn bước đầu đã được cải thiện, số hộ nghèo giảm, hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, giao thông thuận lợi đã giúp người dân đi lại, giao lưu văn hóa, giao thương,… được thuận tiện, y tế giáo dục được chăm lo, môi trường nông thôn đã được quan tâm, an ninh trật và an toàn xã hội được đảm bảo, diện mạo làng, xã đã có khởi sắc.
Phấn đấu vượt khó, về đích.

Theo báo cáo của BCĐ xây dựng NTM của huyện thì đến cuối năm 2014 toàn huyện đã tăng thêm 42 tiêu chí so với năm 2013. Bình quân mỗi xã tăng 2,63 tiêu chí và bình quân chung mỗi xã đạt 9,53 tiêu chí. Nâng tổng số tiêu chí toàn huyện lên 153 tiêu chí. Trong đó điển hình có xã Ngọc Phụng đạt 17/19 tiêu chí; xã Xuân Dương đạt 14/19 tiêu chí NTM; xã Luận Thành, Thọ Thanh đạt 13/19 tiêu chí NTM; xã Vạn Xuân, Xuân Cao đạt 11/19 tiêu chí NTM… Mục tiêu trong năm 2015 của huyện là phấn đấu, bình quân mỗi xã tăng thêm 2 tiêu chí so với năm 2014, xây dựng đưa xã Ngọc Phụng đạt chuẩn xã NTM, xây dựng hai thôn Thống Nhất 2, xã Xuân Dương, thôn Đông Xuân, xã Thọ Thanh đạt chuẩn thôn NTM.
Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, bà Lê Thị Hường chia sẻ: Trong những năm qua huyện đạt được nhiều kết quả đáng kể trong quá trình xây dựng NTM, tính đến năm 2014 huyện đã huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 33.396 triệu đồng chiếm 11,4% (Bằng tiền 4.803 triệu đồng, bằng ngày công 13.507 tương ứng 16.803 triệu đồng và nhân dân hiến 11.737 m2 với giá trị 11.790 triệu đồng). Kết quả đạt được ở trên là sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị của Huyện và sự đồng thuận của người dân.
Tuy nhiên, Thường Xuân là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo cao hạ tầng cơ sở kỹ thuật: giao thông, thuỷ lợi,.. cơ sở vật chất văn hoá của huyện còn thiếu, chưa đồng bộ. Là địa phương đang được hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 30a, CT 135 đặc biệt khó khăn, Huyện không đủ khả năng đầu tư, phải chờ vào nguồn vốn cấp trên để xây dựng, do nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ Trung ương còn quá ít, chưa đủ điều kiện tổng thể để đáp ứng các tiêu chí của Chương trình. Vì vậy, thực hiện tiến trình xây dựng Nông thôn mới, huyện xác định không xây dựng dàn trải, mà tập xây dựng trọng điểm hoàn thành từng thôn, xã có đủ điều kiện đạt tiêu chí NTM để làm động lực hỗ trợ các địa phương còn lại, theo phương thức cuốn chiếu, sau đó mới nhân rộng toàn huyện.
Thường Xuân mong muốn trong những năm tiếp theo Trung ương cần tập trung tăng cường nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn để thực hiện tốt chương trình. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, đề nghị UBND tỉnh tích cực hỗ trợ địa phương thực hiện các mô hình phát triển sản xuất; hỗ trợ cho việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao; hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện bảo tồn và phát triển cây quế ngọc, hỗ trợ xi măng để các thôn, bản hoàn thiện hệ thống giao thông liên thôn, đường ngõ xóm và bê tông hoá, cứng hoá hệ thống giao thông nội đồng; xây dựng, cải tạo nhà văn hoá thôn…