Hai thông tin đầu năm mới khá điển hình về xu hướng phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025: Tập đoàn Minh Phú đầu tư hệ thống cấp nước biển sạch cho vùng nuôi tôm công nghệ cao; TPHCM tập trung quan trắc môi trường vùng nuôi đối tượng chủ lực là tôm và nhuyễn thể.
Đầu tư 2.819 tỷ đồng cấp nước biển sạch
Hệ thống cấp nước biển sạch do Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 ở thành phố Hà Tiên và huyện Kiên Lương, Giang Thành của tỉnh Kiên Giang. Dự án có vốn đầu tư 2.819 tỷ đồng, phục vụ 9.838 ha nhằm góp phần phát triển bền vững ngành nuôi tôm công nghiệp, nhất là nuôi tôm công nghệ cao ở vùng Tứ giác Long Xuyên.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho biết tên đầy đủ là “Dự án Hệ thống cấp nước biển sạch cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Kiên Giang” đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho đầu tư. Trực tiếp làm chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Minh Phú thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Theo chủ trương đã được chấp thuận, Dự án đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư 1.019 tỷ đồng làm 2 tuyến cấp nước. Tuyến thứ nhất mang số V, xây dựng trạm bơm lấy nước biển xa bờ từ 1-1,5 km với đường ống có đường kính 1,6 m, và ống đẩy dài 6,8-9 km có đường kính 1,4 m để cấp nước cho 600-900 ha ở ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa (Kiên Lương). Tuyến thứ hai là kênh Cây Me, một kênh tự nhiên được xây dựng thêm trạm bơm và đường ống lấy nước biển xa bờ, đồng thời nạo vét lòng kênh để có khả năng cấp nước biển sạch cho 3.100 ha cũng ở xã Dương Hòa.
Giai đoạn 2 đầu tư 1.800 tỷ đồng, nâng cao năng lực cấp nước thêm 5.838 ha, để đạt 9.838 ha của toàn hệ thống. Sẽ xây dựng thêm trạm bơm và đường ống lấy nước biển xa bờ tại khu vực ngã ba Cây Bàng. Đầu tư nạo vét kênh Cây Bàng và các công trình trên kênh đủ năng lực cấp nước cho toàn bộ diện tích trong vùng dự án thuộc 3 địa phương.
Dự tính của kế hoạch, năm 2021 thực hiện giai đoạn 1, tiếp đó thực hiện giai đoạn 2 và cả dự án sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6/2025.
Quan trắc môi trường nuôi tôm và nhuyễn thể
Trong kinh tế thủy sản, TPHCM đã xác định tôm nước lợ (tôm sú, thẻ chân trắng) và nhuyễn thể là đối tượng nuôi chủ lực nên được tổ chức quan trắc môi trường tại các vùng nuôi trọng điểm. Một kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025, tập trung vào tôm và nhuyễn thể vừa được UBND TPHCM ban hành.

Mục đích quan trắc môi trường để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn biện pháp xử lý, phòng ngừa khi môi trường thủy sản có dấu hiệu mất an toàn. Qua đó, giảm thiệt hại do môi trường gây ra, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Theo kế hoạch, việc quan trắc môi trường nuôi tôm nước lợ tổ chức tại huyện Cần Giờ (các xã Lý Nhơn, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh), huyện Nhà Bè (xã Hiệp Phước, Nhơn Đức) và huyện Bình Chánh (xã Phong Phú, Đa Phước, Bình Lợi). Với nhuyễn thể, tổ chức quan trắc tại vùng nuôi tập trung ở huyện Cần Giờ (thị trấn Cần Thạnh, các xã Long Hòa, Lý Nhơn, Thạnh An). Bên cạnh còn vùng nuôi nước ngọt sẽ tập trung quan trắc tại huyện Bình Chánh (xã Tân Nhựt), huyện Củ Chi (xã Tân Thông Hội, Phước Hiệp) và TP Thủ Đức (phường Phú Hữu).
Công tác triển khai thực hiện kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường được giao cho Chi cục Thủy sản. Quy trình xử lý thông tin: Kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường sẽ được Chi cục Thủy sản gửi đến những số điện thoại của người dân đã đăng ký cùng các khuyến cáo, đảm bảo chính xác, nhanh chóng. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm, Chi cục Thủy sản phối hợp với Cảnh sát Môi trường xác định nguyên nhân, xử lý theo quy định.
NGỌC DUYÊN