29 C
Hanoi
Thứ Hai, 12 Tháng 5, 2025

Cần xây dựng bền vững phong trào toàn dân chung sức bảo vệ môi trường trong xây dựng Nông Thôn Mới

Rác thải từ sinh hoạt và sản xuất của chính người dân mà ra. Môi trường ô nhiễm, nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh từ môi trường cũng từ ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường mà tạo nên. Bảo vệ môi trường không ai khác phải xuất phát từ chính những con người sống – hoạt động trong môi trường ấy.
NTM 12Vấn đề rác thải nông thôn
Mặc dù xây dựng Nông thôn mới, các xã đã tổ chức từng tổ/đội thu gom rác định kỳ, truyền thanh thông báo chi tiết cho từng hộ về lịch trình thu gom rác thải sinh hoạt, chất thải từ quá trình sản xuất về nơi tập kết trước khi xử lý… Song, không hiếm gặp tại các xã Nông thôn mới những bãi rác tự phát nơi góc đường, góc bờ ao, dọc các con kênh… Vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý, khi mà một số Lãnh đạo UBND xã, than: Ý thức người dân…
Nhiều Chủ tịch xã, khi tiếp xúc với chúng tôi, đều chia sẻ: Tổ chức dọn vệ sinh định kỳ vào một ngày nhất định – hàng tuần, giao các hội đoàn thể phụ trách môi trường từng thôn, xóm; xã có đủ tổ/đội thu gom rác theo ngày/tuần, cũng tuyên truyền, vận động bà con nhiều mà kết quả chưa được như mong muốn. Ý thức bà con đâu dễ thay đổi được…! Vẫn còn tình trạng bà con tiện đâu ném đó, đất rộng mà, quản lý sao nổi. Và, đa số các Chủ tịch này đều bối rối khi được hỏi: Cách nào để có thể kiến tạo được phong trào toàn dân ý thức tự chủ bảo vệ môi trường?
Không chỉ ở cấp xã, ngay cả một số huyện đã/đang chuẩn bị đạt chuẩn Nông thôn mới cũng gặp phải tình trạng tương tự. Có huyện phải lùi công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới vì thiếu tiêu chí Môi trường. Có huyện công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới rồi, bất chợt trở lại, đâu vẫn vào đó… Trong chuyến tác nghiệp đầu năm vừa qua, tại huyện Hải Hậu, hình ảnh từng tốp bà con hối hả dọn rác dọc kênh trên đường đoàn công tác đi qua là một hình ảnh đẹp. Song, nếu đi lên trên hoặc xuống dưới không xa thì “đâu lại vào đó”. Một người dân khi được hỏi đã ngần ngại chia sẻ: Chúng tôi thi thoảng vẫn ra vớt, song vớt không xuể. Qua được thông báo có đoàn về thăm nên tổng huy động làm sạch cho bằng được…

Vĩnh Quỳnh - Đường như phố (Ảnh st)
Vĩnh Quỳnh – Đường như phố (Ảnh st)

Cần xây dựng bằng được phong trào toàn dân… – Các ví dụ giải pháp
Chúng tôi từng rất ấn tượng về phong trào toàn dân tại xã Vĩnh Quỳnh (H. Thanh Trì, TP. Hà Nội) – xã Nông thôn mới của Thủ đô, đơn vị có nhiều đột phá trong xây dựng phong trào toàn dân chung sức bảo vệ môi trường. Những năm trước, Vĩnh Quỳnh nổi lên như điểm nóng về môi trường, được coi là tiêu chí cực khó trong xây dựng dựng nông thôn mới, chưa kể xã lại nằm ngay cạnh nghĩa trang Văn Điển. Chúng tôi về với xã khi mọi hoạt động đã vào nếp, như chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Thu Hồng từng chia sẻ: “Công tác bảo vệ môi trường của Vĩnh Quỳnh đã trở thành nếp sống, nét văn hóa của bà con”. Theo chị cho biết, BCĐ “Môi trường” của xã do 1 PCT UBND làm trưởng ban cùng thành viên là Chủ tịch các Hội/Đoàn thể, Trưởng các thôn xóm trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc tổng vệ sinh vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần; giao ban kiểm điểm trực tiếp cùng Đảng Ủy xã vào thứ 2 (sau chào cờ) với nhiều hình thức khen thưởng, nhắc nhở, thậm chí kỷ luật nghiêm chỉnh. Ngoài ra, BCĐ còn mời một số cụ cao niên có uy tín cùng tham gia giám sát và nhắc nhở con cháu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường theo cách “nhiều cụ đi nhìn thấy rác liền yêu cầu con/cháu mình nộp quỹ để nhớ mà chú ý”… Từ đó, ngày thứ 6 hàng tuần thực sự là ngày hội toàn dân của xã…
Một ấn tượng khác về xã Hữu Hòa (Thanh Trì, Hà Nội) tiêu biểu với “ao bơi” được cải tạo từ ao bèo trăm mẫu ô nhiễm. Biến bãi sình lầy, hôi thối thành “ao bơi” trong lành cho bà con trong xã là điều không tưởng mà chủ tịch UBND xã – Đ/c Tưởng Văn Chức cùng tập thể trăn trở. Ngân sách không có, tiền huy động bà con đóng góp chẳng biết được bao nhiêu, chưa kể “động chạm quyền lợi” của nhiều hộ lấn chiếm? – Song, vì đảm bảo đời sống, môi trường xanh – sạch – đẹp cho bà con thì phải làm! Quyết định số 31/UBND ngày 12/05/2014 của UBND xã đã làm thay đổi cả bộ mặt xã, tác động lành mạnh đến vui chơi, sinh hoạt của bà con trong xã: Hơn 1 tỷ đồng chi phí cải tạo cho một ao/hồ ô nhiễm chủ yếu do dân đóng góp, bà con tự phân công nhau quản lý, vận hành cả 8 hồ bơi như vậy đến hôm nay. “Mình nói thẳng, cho bà con thấy lợi ích thiết thực cho chính họ là họ theo, thế là thành phong trào thôi!” – Chủ tịch Chức bày tỏ.
NTM 4Tại H. Thái Thụy (T. Thái Bình), tự bảo vệ môi trường đã đi vào ý thức sống của người dân từ rất lâu. Mỗi đoạn đường giao một hộ quản lý, đường trước cửa nhà ai – nhà ấy quản lý, dọn dẹp, sân vườn nhà ai – nhà ấy lo làm sạch. Công tác này được người dân thực hiện hàng ngày, thường vào trước bữa ăn tối hàng ngày. Rác được tập trung tại khu riêng, chờ xe của tổ/đội đến là mang ra. Có lần về Thái Thụy, đúng thời điểm các hộ gia đình tự nhắc nhở nhau quét dọn cho sạch sẽ. Lân la hỏi chuyện ông Nguyễn Văn Mạnh (X. Thái Đô): “Xã chuẩn bị đón đoàn nào thăm hả bác?” – Ông ngạc nhiên: “Nhà mình sạch, đường mình đẹp thì tốt, cần gì phải có đoàn mới dọn. Ở quê ông, nhà không sạch, đường có rác là mất mặt với hàng xóm lắm”.
NTM 5Càng đi, càng thấy thấm yêu những miền quê mà mình từng có duyên được đến và được gặp gỡ những người dân hồn hậu, chất phác… Những hình ảnh sống động chúng tôi ghi nhận được từ nhiều miền quê của Tổ quốc. Xây dựng Nông thôn mới là của dân – do dân – vì dân, trong đó, thực hiện tiêu chí môi trường chính là tiêu chí sát thực nhất, mang lại sự thụ hưởng cho mọi người. Phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh do Thủ tướng phát động vừa qua thể hiện rõ quan điểm đó. Có những tiêu chí chỉ cần: “Dân hiểu, mang lại lợi ích thiết thực với đời sống người dân”, ắt tạo nên phong trào, sẽ thành công mà không phải trông chờ vào nguồn tiền, nguồn hỗ trợ từ nhà nước.

Thái Hòa

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT