33 C
Hanoi
Thứ Bảy, 5 Tháng 7, 2025

Kỳ vọng kinh tế phục hồi nếu mở cửa từ tháng 10 này

Sáng 1/10/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp cùng Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại ĐBSCL và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo Kinh tế quý IV và triển vong năm 2022”. Các diễn giả và đại biểu tham dự phân tích nhu cầu cấp bách mở cửa kinh tế từ tháng 10 để phục hồi sau đại dịch, tránh thiệt hại nặng nề.

THÁNG 9 NGẤM DỊCH BỆNH, GIẢM MẠNH

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 93.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trong khi chỉ 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tính ra, số doanh nghiệp trong cả nước đang giảm. Ở ĐBSCL, hơn 90% doanh nghiệp ngừng hoạt động, số còn hoạt động chỉ đảm bảo 5-10% công suất.

Giám đốc VCCI Cần Thơ (trái) và Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành

Báo cáo của ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế ở Trường Chính sách công và quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam), thống kê cuối tháng 8/2021, cả nước chỉ còn 16% số doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh; 15% đã giải thể hoặc ngừng hoạt động chờ giải thể; 69% tạm ngừng  hoạt động. Từ đó, GDP của cả nước quý III giảm 6,17% so với cùng kỳ. Các ngành quan trọng đều giảm trong quý 3 (công nghiệp chế biến, xây dựng, thương mại, vận tải, thủy sản). Kinh tế Đông Nam bộ giảm vì giãn cách xã hội, vùng ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng mạnh không kém.

Thương mại, ngành lớn nhất của dịch vụ suy giảm mạnh. So với cùng kỳ, doanh số bán lẻ và dịch vụ giảm mạnh trong cả 3 tháng của quý 3: Tháng 7 giảm 19,8%; Tháng 8 giảm 33,7%; Tháng 9 giảm 28,4%. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2021 của một số địa phương cũng giảm mạnh so với cùng kỳ: TPHCM giảm 12,9%; Bến Tre giảm 11,2%; Đồng Tháp giảm 9,9%; Cần Thơ giảm 9,8%; Khánh Hòa 9,5%; Trà Vinh giảm 7,3%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 5,3%; Vĩnh Long giảm 4,5%.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan: Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ bằng các mô hình “Cụm liên kết ngành trong nông nghiệp”, du lịch nông nghiệp nông thôn, kiến tạo không gian phát triển cho vùng ĐBSCL với tư duy tích hợp đa ngành, đa giá trị

Đầu tư tư nhân tăng thấp và FDI giảm. Trong 9 tháng so với cùng kỳ (chưa loại bỏ lạm phát): Đầu tư từ ngân sách Nhà nước giảm 6,9%; FDI giảm 3,4%; Đầu tư tư nhân trong nước chỉ tăng 3,9%.

Xuất khẩu trong tháng 9 giảm mạnh so với cùng kỳ ở nhiều mặt hàng: Giày dép giảm 44,2%; Nội thất gỗ giảm 35,3%; Phụ tùng ô-tô giảm 34,3%; Cà phê giảm 30,1%; Thủy sản giảm 26,8%; May mặc giảm 18,6%. Kim ngạch xuất khẩu ở nhiều địa phương cũng giảm mạnh so với tháng 8: TPHCM giảm 36,2%; Hà Nội giảm 36,7%; Bình Dương giảm 26,1%; Đồng Nai giảm 20,4%; vùng ĐBSCL giảm đến 41,9%.

KỲ VỌNG PHỤC HỒI NẾU MỞ CỬA NGAY

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói: “Vẫn kỳ vọng hoạt động kinh tế hồi phục một phần trong quý 4/2021 theo hướng thích ứng an toàn và bình thường mới để phục hồi kinh tế mạnh trong năm 2022. Để có tăng trưởng trong năm 2021, cần phục hồi trong quý 4: Mở cửa kinh tế từ đầu tháng 10. Để phục hồi mạnh trong năm 2022 cần: Chính sách tiền tệ tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào; Chính sách tài khóa kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao (6% GDP) tài trợ bằng trái phiếu chính phủ và một chương trình đầu tư công trung hạn (2022-2025)”.

Theo chuyên gia Thành, dù kinh tế giảm sút mạnh trong tháng 9 nhưng nền tảng ổn định vĩ mô chưa bị xói mòn bởi Covid. Lần đầu tiên trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu có tác động tới Việt Nam, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước vẫn được giữ vững. Cùng với kiểm soát Covid, ổn định vĩ mô là điều Nhà nước phải làm và có năng lực thực thi hiện nay.

“Kịch bản mở cửa từ đầu tháng 10 có tiêu chí bắt buộc là tăng 1 cấp độ dịch nếu dưới 80% dân số trên 50 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin (trừ địa bàn cấp 4 hay không có ca mắc). Không giảm cấp độ dịch nếu không đạt tiêu chí về đủ oxy/trạm y tế và tiêu chí giường ICU (ở cấp quận/huyện). Tiêm đủ vắc xin và mở cửa bình thường mới sau Tết nguyên đán. Với tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng thấp và hệ thống y tế không quá tải sau khi tiêm đủ vắc-xin thì có thể mở cửa bền vững”, chuyên gia Thành nhấn mạnh.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc thống nhất quan điểm cần mở cửa kinh tế ngay và hơn thế nữa, cần nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chuyển sang thúc đẩy phát triển. Có hai vấn đề lớn trong hoạt động kinh tế hiện nay là môi trường kinh doanh và năng lực kinh doanh, hệ thống pháp luật phải thống nhất để không gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thời gian chống dịch vừa qua đã thấy rõ vai trò của danh nghiệp, họ là ân nhân của chính quyền và cần được phát huy vai trò đó trong phục hồi kinh tế hiện nay. “Trước đây đặt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả để đất nước có nguồn lực phát triển. Vì dịch bệnh, số doanh nghiệp không tăng mà lại giảm cho nên bây giờ mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp ở năm 2025 tức là gấp đôi hiện nay càng trở nên xa xôi. Cần khẩn trương mở cửa, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thì mới hy vọng kinh tế phục hồi sau đại dịch”, ông Lộc nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tán thành ý kiến mở cửa phải nhanh chóng, rõ ràng, thống nhất và phân tích thêm ở vùng nông nghiệp, thủy sản quốc gia là ĐBSCL. Theo ông, ĐBSCL muốn trở thành một vùng kinh tế phát triển thì phải có không gian kinh tế, không gian phát triển. Con cá trong ao, hạt lúa trên ruộng mới là sản lượng; khi được thu hoạch, chế biến và vận chuyển bán đến tay người tiêu dùng sinh ra giá trị gia tăng thì mới thành kinh tế. Nên không thể cắt khúc từng địa phương trong vùng mà có kinh tế phát triển. Dịch bệnh vừa qua chỉ làm trầm trọng thêm những yếu kém của vùng nông nghiệp và thủy sản ĐBSCL; bây giờ muốn phục hồi, phát triển cần thay đổi cả tư duy lẫn tổ chức. Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phối hợp kiến tạo không gian phục hồi, cả hai cùng là chủ thể phát triển, không còn một bên quản lý và một bên bị quản lý kiểm soát. Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và xã hội cùng hoạt động hài hòa trong vùng ĐBSCL và với các vùng khác.

“Như thế, hành xử của các địa phương phải linh hoạt hơn. Các địa phương cần ngồi lại bàn bạc, kiến tạo không gian phát triển cho vùng ĐBSCL với tư duy tích hợp đa ngành, đa giá trị để phục hồi, phát triển mạnh mẽ”, Bộ trưởng Hoan kết luận.

Thế nào là mở cửa kinh tế? Chuyên gia Thành giải thích: Người lao động đã tiêm vắc-xin là được tự do đi lại, từ địa phương này sang địa phương khác không bị cách ly. Doanh nghiệp không cần phải xin thêm giấy phép để hoạt động sản xuất kinh doanh vì đó chỉ là hình thức, gây thêm khó khăn mà ít có tác dụng phòng chống dịch bệnh, ít giá trị bảo đảm an toàn.

                                                                                                SÁU NGHỆ

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT