29 C
Hanoi
Thứ Hai, 19 Tháng 5, 2025

Hợp tác nuôi tôm gắn kết thị trường

Mấy năm gần đây, dự án “Phát triển Chuỗi giá trị Sản xuất Tôm bền vững – Công bằng tại Việt Nam” do EU tài trợ đã giúp một số hợp tác xã nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng hoạt động gắn kết thị trường đạt kết quả tốt. Gồm liên kết với các cơ sở cung cấp vật tư để có đầu vào chất lượng ổn định, giá thấp nhằm giảm giá thành và liên kết với các doanh nghiệp chế biến thực hiện tiêu chuẩn quốc tế để có đầu ra giá cao, ổn định. Qua đó, các thành viên hợp tác xã còn có cơ hội ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

HTX Toàn Thắng nhận chứng nhận ASC (Ảnh Thanh Thúy)

Nông hộ nuôi tôm siêu thâm canh
“Hợp tác xã chúng tôi có 127 thành viên với 430 ha nuôi tôm, trong đó có 10 ha nuôi siêu thâm canh, 86 ha nuôi thâm canh, còn lại nuôi quảng canh”, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nuôi thủy sản Cái Bát-Nguyễn Văn Lâm cho biết. Như thế, thành viên của HTX Cái Bát ở ấp Cái Bát, xã Hòa Mỹ (Cái Nước, Cà Mau) thuộc số nông dân đầu tiên ở ĐBSCL nuôi tôm siêu thâm canh. Chiều 2/4/2019, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đến thăm và đánh giá, đây là hợp tác xã kiểu mới, liên kết được với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho kinh tế nông hộ phát triển.
Thành lập ngày 19/12/2012 với 12 thành viên ban đầu, HTX Cái Bát vượt qua nhiều khó khăn để đi đến hôm nay. Thành công chủ yếu nhờ liên kết chặt chẽ cả đầu vào và đầu ra trong nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Lâm kể, mua vi sinh với Cty Trúc Anh, mua con giống với Cty Miền Trung VN, liên kết với Cty CP Chế biến và XNK Thanh Đoàn để thực hiện nuôi tôm sạch đảm bảo đầu ra. Ông kệ: “HTX đã giải quyết được một cách tốt nhất vấn đề ô nhiễm môi trường nước. Khi tham gia HTX, các thành viên tuân thủ triệt để quy trình nuôi, cải tạo ao đầm đồng loạt, vì thế đã kiểm soát được môi trường.
Chuỗi liên kết đảm bảo cho chúng tôi từ con giống, chế phẩm sinh học, thức ăn thủy sản đến đầu ra của con tôm có giá ổn định. Cty Thanh Đoàn hỗ trợ HTX Cái Bát 5 triệu đồng/ha nuôi tôm quảng canh và 8 triệu đồng/ha nuôi tôm thâm canh và chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn ASC cho 36 ha nuôi tôm từ tháng 9/2018”.
Một thành viên HTX là ông Lê Minh Tặng bày tỏ: “Các thành viên HTX không phải ai cũng có vốn lớn, nên khi thực hiện chuỗi liên kết với nguồn vốn được hỗ trợ đã có thêm điều kiện thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến từ cải tạo ao, xả thải đồng bộ, con giống có nguồn gốc rõ ràng, nhờ đó nuôi tôm đạt hiệu quả cao”. Sản phẩm truy xuất được nguồn gốc nên tôm của HTX Cái Bát ngoài bán cho Cty Thanh Đoàn chế biến xuất khẩu, còn cung cấp cho các cơ sở tiêu thụ ở ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với giá cao. Bên cạnh, HTX Cái Bát phát triển thêm các sản phẩm cua, tôm sú lớn, tôm chà bông, tôm khô, bồn bồn/chả cá/phồng tôm tăng thu nhập cho mỗi thành viên mỗi tháng 3,5-5 triệu đồng.
Với những kết quả đó, vừa rồi, HTX Cái Bát được cử làm đại diện các THT/HTX nước ta tham gia đối thoại với các nhà mua hàng châu Âu tại hội trợ Brussel (Bỉ) và đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về HTX Nuôi Trồng Thủy Sản Tiêu Biểu.

Thu hoạch tôm ở HTX Cái Bát. (Ảnh Thanh Thúy)

“Trong khó khăn hỗ trợ nhau là mừng lắm”
Đó là chia sẻ của ông Đặng Văn Ngọc, Giám đốc HTX Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản 30/4 ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu (Hòa Bình, Bạc Liêu). Từ tổ hợp tác, năm 2017 thành lập HTX với 17 thành viên có 70 ha nuôi tôm, gồm 30 ha nuôi thâm canh và bán thâm canh, còn lại nuôi quảng canh. Năm 2016, HTX 30/4 tham gia Dự án “Phát triển Chuỗi giá trị Sản xuất Tôm bền vững – Công bằng tại Việt Nam” và đầu tháng 2/2019 đạt chứng nhận ASC với sự hỗ trợ của Cty CP Chế biến Thủy sản Âu Vững. Giám đốc Ngọc kể, Cty Âu Vững hỗ trợ mỗi thành viên 6 triệu đồng để thực hiện và duy trì các điều kiện đảm bảo tiêu chuẩn ASC, mua sản phẩm tôm giá cao hơn thị trường 3%. Còn liên kết với các đại lý cấp 1 để có vật tư đầu vào chất lượng ổn định và giá thấp, chẳng hạn thức ăn thủy sản nếu trả tiền ngay sẽ giảm 8.000 đồng/kg còn nợ tiền giảm 5.000 đồng/kg, thuốc thú y giảm 20%. Bên cạnh, đại lý còn hỗ trợ cho quỹ hoạt động của HTX với 200 đồng cho mỗi ký thức ăn tiêu thụ, 5% doanh số thuốc thú y. “Trong khó khăn, được hỗ trợ như thế là mừng lắm để các thành viên có thêm điều kiện áp dụng kỹ thuật tiên tiến, nâng cao lợi nhuận. Còn HTX có điều kiện triển khai nhiều dịch vụ thiết thực để phát triển bền vững”, ông Ngọc nói.
Tại tỉnh Sóc Trăng, HTX Thủy sản Toàn Thắng ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu) cũng được Cty Cổ phần Chế biến Thủy sản Út Xi hỗ trợ thực hiện 37 ha nuôi tôm của 27 thành viên đạt tiêu chuẩn ASC vào tháng 12/2018. Hiện HTX Toàn Thắng có thêm 9 thành viên với 14,3 ha đang được Cty Út Xi hỗ trợ thực hiện tiêu chuẩn ASC, dự kiến đạt chứng nhận vào cuối năm nay.
Giám đốc Mai Văn Đấu phấn khởi: “Liên kết với Cty Út Xi thực hiện ASC cho kết quả rất tốt. Đó là nuôi tôm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, chỉ dùng vi sinh chứ không còn dùng kháng sinh nên đảm bảo tôm sạch, bán có giá cao. Các thành viên HTX hỗ trợ nhau cùng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, nuôi tôm cỡ lớn và tính toán phù hợp khả năng nên đều có lời, phát triển ổn định”. Cụ thể, đầu vào giá cả hợp lý và đầu ra là tôm nguyên liệu được Cty Út Xi mua giá cao hơn thị trường 2.500 đồng/kg ở diện tích đạt ASC, còn diện tích chưa đạt ASC nhưng nuôi đảm bảo “sạch” được mua giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg. Bên cạnh, Cty Út Xi còn hỗ trợ HTX Toàn Thắng mỗi năm 100 triệu đồng để phục vụ công tác quản lý, duy trì tiêu chuẩn chất lượng.

THANH THÚY

https://anhsangvacuocsong.vn/

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT