28.1 C
Hanoi
Thứ Sáu, 4 Tháng 7, 2025

Hà Nội: Nữ trí thức góp ý thực hiện “pháo đài phòng, chống dịch”

Ngày 30/8/2021, Hội Nữ trí thức Hà Nội và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam-VUSTA gửi thư bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với chủ trương đang triển khai của UBND thành phố Hà Nội và góp ý thực hiện “mỗi tổ dân phố là một pháo đài phòng chống dịch Covid hiệu quả”.

Phụ nữ xã Tiên Dược (Sóc Sơn, Hà Nội) tặng quà lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch

Lá thư đặt vấn đề: Khi triển khai chiến lược “mỗi tổ dân phố là một pháo đài phòng chống dịch Covid, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận này”, chúng ta cần đảm bảo “các chiến sĩ” của chúng ta có đủ phương tiện để tự chiến đấu. Cụ thể, chúng ta cần tổ chức thực hiện để đảm bảo mỗi người dân sinh sống tại địa bàn được tiếp cận với những kiến thức cần thiết để phòng chống dịch hiệu quả tại nhà. Thực tế hiện nay cho thấy, lỗ hổng lớn tại các khu dân cư là nhiều người dân (nhất là người dân lao động tự do) chưa nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản, cần thiết, kịp thời về nguy cơ dịch bệnh, về các hành động, ứng xử cần làm khi xảy ra các tình huống. Nhiều người dân trong “vùng đỏ” gặp tình trạng hoang mang, thiếu bình tĩnh và không gọi điện được đến các tổng đài tư vấn. Bên cạnh đó, hiện nay đang có sự bất đối xứng về thông tin giữa mạng xã hội và phát ngôn, báo chí chính thống dẫn đến người dân có các nhận thức riêng khác nhau “không theo chỉ đạo” và ứng phó kiểu tự phát, thậm chí hoang mang, bất ổn.

Do đó, các nữ trí thức Hà Nội đề xuất 6 vấn đề:

“Thứ nhất, truyền thông của Nhà nước cần đưa tin đầy đủ, kịp thời kèm phân tích, thảo luận công khai giữa các chuyên gia và đại diện chính quyền về mọi vấn đề của dịch bệnh, qua đó nâng cao ý thức tự giác, tối đa hoá sự tự chủ ứng phó của mỗi người dân, thay cho việc trông đợi vào các nguồn lực có hạn của chính quyền.

Thứ hai, nên có người phát ngôn của thành phố để thông tin hàng ngày trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp ứng phó của thủ đô, tạo sự tin tưởng trong nhân dân, không hoang mang, tự giác và chủ động thực hiện theo các khuyến cáo, hướng dẫn.

PGS.TS Bùi Thị An ký thư của Hội Nữ trí thức Hà Nội

Thứ ba, công tác truyền thông, phổ biến kiến thức nên được củng cố để mang tính hệ thống, nguồn tin đáng tin cậy được triển khai và đảm bảo từng người dân trong khu phố đều được tiếp cận. Cần sử dụng đa dạng các phương pháp và tài liệu truyền thông hiện có để đảm bảo hiệu quả tiếp cận phù hợp với các tầng lớp dân cư. Ví dụ truyền thông đưa tin qua loa di động tới từng ngóc ngách, qua các nhóm Zalo, Facebook của khu phố. Ngành y tế biên soạn và gửi tài liệu hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch tớitừng hộ gia đình qua nhiều hình thức, đặc biệt chú ý nhóm hộ nghèo, người lao động (kể cả những người nhập cư, lao động tự do thậm chí cả người chưa kịp đăng ký tạm trú tại địa bàn không sử dụng điện thoại thông minh) để có phương pháp tiếp cận phù hợp.

Thứ tư, sẵn sàng một danh bạ các số điện thoại dễ dàng liên lạc 24/7 cho người dân có thể tiếp cận được khi có nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp về nhu yếu phẩm, y tế. Những số điện thoại này cần phải được phổ biến và đảm bảo tất cả người dân tại tổ dân phố đều được tiếp cận hiệu quả.

Thứ năm, để “pháo đài’ có sức chống đỡ, những thành viên tổ Covid cộng đồng, nhóm tình nguyện tham gia chống dịch bên cạnh việc được phổ biến chủ trương chính sách, cũng cần được tăng cường năng lực để trở thành các “cán bộ tư vấn/ khai vấn” ngay tại địa bàn cho người dân. Thành phố cần tạo điều kiện cung cấp đẩy đủ nguồn lực, phương tiện thiết bị bảo hộ và tiêm vắc xin đầy đủ cho những thành viên tham gia các nhóm này.

Thứ sáu, các biện pháp khoanh vùng F0, F1 cũng nên lưu ý để không tạo ra hệ quả dẫn tới “kỳ thị cộng đồng” với những người, hộ gia đình không may nhiễm Covid hoặc nhóm F1. Có thể nghiên cứu phương án dùng cờ chữ thập đỏ với F0, cờ chữ thập vàng với F1 để các nhân viên y tế và tình nguyện viên nhận biết dễ dàng. vii/ Không nên coi toàn bộ khu dân cư là F1 và đưa F1 đi cách ly tập trung toàn bộ trong khu phố có nhiều F0. Chúng tôi e rằng thành phố sẽ bị quá tải và không đủ nguồn lực, giường nằm, người phục vụ nếu dịch bệnh lan trên diện rộng”.

Trong thư, Hội Nữ trí thức Hà Nội còn đề cập đến sự kiên định mục tiêu chiến lược và trọng tâm phòng chống Covid-19 hiện nay là tiêm vaccin để đạt miễn dịch cộng đồng, một chiến lược đúng đắn, không thể làm khác được; Công tác xét nghiệm tầm soát, bóc tách FO; Phát huy vai trò và tăng cường năng lực của các lực lượng tình nguyện, phụ nữ tại tuyến cơ sở. Khi thực hiện đồng bộ, có hiệu quả thì chắc chắn sẽ vượt qua đại dịch.

                                                                                                          SÁU NGHỆ

 

Bài viết liên quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM NHIỀU NHẤT