Trước tình hình người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ, lãnh đạo Sở Công thương cho biết đã đề nghị các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống… tăng lượng dự trữ hàng hóa “hết mức có thể” để bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu của thị trường.

Chiều 12/8/2021, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị UBND thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng chặt chẽ quy trình cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, bảo đảm thực hiện thuận lợi và thông suốt trong trường hợp thành phố triển khai biện pháp mạnh, quy trình được xây dựng theo 5 bước.
Để làm tốt điều này, mỗi tổ dân phố phải thành lập một đội cung ứng, bảo đảm lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời điểm hiện nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp, việc sản xuất ở 2 đầu đất nước có nhiều khó khăn, do phải vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Con đường vận chuyển về địa phương cũng chậm hơn do dừng lại ở nhiều chốt để kiểm tra thông tin hàng hóa, người vận chuyển… nên hàng hoá không thể đi nhanh như ngày thường.
Đơn cử như trong sáng nay, khi chợ đầu mối Hòa Cường – chợ nông sản lớn nhất thành phố phải thay đổi điểm tiếp nhận hàng hóa về Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Đà Nẵng, sản lượng hàng giảm hơn 100 tấn so với ngày thường đã khiến giá rau, củ, quả tăng tại một số chợ trên địa bàn.

Chủ trương của TP là hỗ trợ, cung cấp lương thực thực phẩm cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, không có việc làm, không thu nhập… gồm hàng khô và tươi đủ dùng cho 7 ngày. Ngoài ra, tạo điều kiện cho các kênh phân phối tích trữ để kịp thời cung ứng cho những đối tượng còn lại bảo đảm nhu cầu người dân”, bà Phương cho hay. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng trên địa bàn đang tích cực triển khai việc kiểm soát, kiểm tra về giá cả tại các chợ để người dân mua được hàng đầy đủ với giá cả hợp lý.
Ông Trần Phước Trí, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Đà Nẵng cho rằng: “Với tâm lý đi chợ, siêu thị hiện nay của tất cả người dân toàn địa bàn đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm dự trữ cho 7 ngày mà TP dự kiến áp dụng biện pháp mạnh hơn “ ai ở đâu thì ở đó” nên trong một lúc hàng hóa cùng một thời điểm sẽ thiếu hụt, không thể nào đáp ứng nổi, với tâm lý người dân xôn xao bàn tán sợ thiếu hụt lương thực, thực phẩm sơ lúc đó không ra khỏi nhà thì không có lương thực để ăn, mà nếu mua thì không ai bán.
Do vậy việc người dân tranh thủ mua lương thực, thực phẩm về trử cho những ngày giãn cách mạnh đã tạo nên tâm lý nâng giá hàng lên một cách không có cơ sở theo tự phát của người bán. Theo quan sát của PV, trưa ngày 13/8 có mặt tại Big C (đường Hùng Vương Đà Nẵng) số lượng người mua khá đông, một số mặt hàng cũng đã hết vì người dân mua khá đông hơn những ngày thường, như rau, bánh mỳ, mì tôm..
Ở Com mart đường Nguyễn Chí Thanh-Phan Đình Phùng người dân phải sắp hàng kéo dải ra ngoài đường, chưa bảo đảm được khoảng cách 2 m, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nếu vô tình trong số người sắp hàng lại bị dương tính Covid-19 thì làm sao tránh khỏi sự lây lan trong cộng đồng là điều không tránh khỏi.

Theo quy luật, tiểu thương tranh thủ người dân đổ xô đi mua mà lên giá là tâm lý thường thấy xảy ra trong thị trường. Tuy nhiên, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng cũng đã huy động toàn bộ lực lượng xuống các điểm bán hàng để hỗ trợ điều tiết cũng như xử lý nghiêm những trường hợp tiểu thương găm hàng, tự ý nâng giá bán hàng trong thời điểm “lửa sôi nước bõng” mà cả nước đã và đang phòng, chống dịch Covid-19.
Hải Duy-Xuân Khanh