22 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Rong nho Côn Đảo khơi nguồn khởi nghiệp

Print Friendly, PDF & Email

Thất bại trong khởi nghiệp ở quê nhà Bến Tre, chàng thanh niên không nản chí mà tiếp tục thử sức với rong nho, một loại tảo biển giàu dinh dưỡng để mong muốn tạo ra sản phẩm đặc trưng cho Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) phục vụ khách du lịch.

Anh Đỗ Minh Tuấn với sản phẩm rong nho

Câu chuyện khởi nghiệp của anh Đỗ Minh Tuấn, 32 tuổi ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre) từng “lăn lộn” với sản phẩm thích ứng biến đổi khí hậu nhưng thất bại. Anh không nản chí mà quay ra Côn Đảo, nơi gần 10 năm trước anh làm thuê đánh bắt hải sản và phục vụ du lịch để tiếp tục làm thuê, chờ cơ hội khởi nghiệp trở lại. Ý tưởng khởi nghiệp với rong nho xuất phát từ thực tế lặn san hô biển quanh Côn Đảo, thấy nguồn lợi hải sản không còn nhiều, san hô suy giảm nghiêm trọng, vì thế các loại tảo để nuôi dưỡng san hô cũng không còn bao nhiêu. Trong khi Côn Đảo có lợi thế rất đặc biệt là ngoài tiềm năng du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng thì nguồn nước vô cùng sạch, thuận lợi phát triển các loại rong tảo. Từ đó, Tuấn tìm mua rong nho từ một người ở Khánh Hòa đem về nuôi thử nghiệm, đến nay gần một năm và bắt đầu cho sản phẩm. Hiện, Tuấn đang bán sản phẩm rong nho cho khách du lịch không chỉ đến Côn Đảo mà nhiều nơi khác.
Trong thời gian qua, Tuấn đã dốc hết vốn liếng trên 60 triệu đồng dành dụm từ làm thuê của mình. Đồng thời, hợp tác với 6 hộ trên đảo để nuôi gia công rong nho.
Rong nho là một loại tảo biển rất bổ dưỡng, có thể ăn như rau nhưng dinh dưỡng cao hơn rất nhiều so với các loại rau củ quả thông thường. Do có hình dạng giống chùm nho nên được gọi là rong nho. Rong nho thường phân bố tự nhiên ở vùng Đông Nam Á, Nhật Bản và các đảo khu vực Thái Bình Dương.
Theo lời Tuấn, loài rong nho này trước đây được một kỹ sư Việt Nam sang Nhật học tập rồi đem về trồng ở miền Trung. “Loài này thích hợp phát triển ở những nơi có nguồn nước sạch, vì thế Côn Đảo là một trong những địa điểm lý tưởng để phát triển”, Tuấn bộc bạch.
Để bán sản phẩm, phục vụ khách du lịch, Tuấn phối hợp với đối tác ở Côn Đảo. Điều chàng trai quê dừa đang trăn trở nhất là nguồn vốn mở rộng diện tích nuôi trồng, phát triển sản phẩm. Và mong được các ngành chức năng địa phương hỗ trợ kỹ thuật, pháp lý để đưa sản phẩm đến gần hơn với du khách, tạo thương hiệu đặc trưng của Côn Đảo. “Tôi muốn tạo sản phẩm đặc trưng của Côn Đảo vì du khách từ đất liền ra đây tham quan, nghỉ dưỡng đều muốn có món quà bản địa Côn Đảo mang về, thay vì những sản phẩm từ đất liền đem ra bán”, Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn đang dồn toàn lực cho vùng nguyên liệu rong nho và tìm kiếm đối tác đầu tư để mở rộng diện tích, phát triển dòng sản phẩm. Theo anh, kỹ thuật nuôi trồng rong nho dù sao mới là cơ bản, nhất là rong nho vừa “định cư” ở Côn Đảo nên cũng mong có nhà chuyên môn am hiểu hỗ trợ thêm về kỹ thuật, pháp lý để không ngừng phát triển. Hy vọng một ngày không xa, rong nho Côn Đảo được rộng rãi du khách gần xa biết đến, hòa quyện cùng truyền thống hào hùng vùng đất viết trang sử mới giàu đẹp giữa biển khơi.

Lan Anh

Bài viết liên quan