26 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Hà Tĩnh: Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Print Friendly, PDF & Email

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Hà Tĩnh bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, Chương trình đã tạo sức lan tỏa, được người dân và cộng đồng hưởng ứng tích cực.

Hà Tĩnh: Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu… Đến nay, đã có 94 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 89 sản phẩm 3 sao, 5 sản phẩm 4 sao. Năm 2020, có thêm 70 sản phẩm OCOP đạt chuẩn OCOP, nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Hà Tĩnh lên 164 sản phẩm. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP gồm 6 ngành hàng là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm – nội thất – trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

Các địa phương có nhiều sản phẩm được đưa vào đánh giá, phân hạng là huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Thạch Hà, Vũ Quang, Can Lộc, Hương Khê… Trong đó, nhiều sản phẩm đã có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Mắm ruốc Luận Nghiệp (thị xã Kỳ Anh); giò lụa Trường An (Đồng Lộc – Can Lộc); cam Khe Mây Hoàn Thắng; giò cây, giò lụa Tiến Giáp (Hương Khê); kẹo cu đơ bà Hường, thịt dê Long Thương, rượu nhung Hương Luật (Hương Sơn)…

Các sản phẩm sau khi đạt chuẩn đều được kiểm soát chặt chẽ, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đều tăng về doanh số bán hàng, bình quân tăng gần 40% so với trước khi tham gia Chương trình, có sản phẩm tăng hơn 2 lần, cá biệt có sản phẩm tăng 4-5 lần như: Nước mắm Phú Khương, Nước mắm Luận Nghiệp; Nhung hươu Thuận Hà; Cu đơ Phong Nga; Nem chua Ý Bình; Mật ong Cường Nga; Giò me Tiến Giáp;….Người tiêu dùng đã hiểu, biết và nhận dạng, xác định được sản phẩm OCOP là sản phẩm có chất lượng, thương hiệu nên đã yên tâm lựa chọn, tin dùng. Đây là những kết quả bước đầu rất quan trọng, là nền tảng, bài học cho thực hiện Chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Tỉnh Hà tĩnh đang xây dựng chính sách giai đoạn tới nhằm tạo động lực để Chương trình Mỗi xã một sản phẩm lan tỏa nhanh, thiết thực, bền vững, có thêm nhiều sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, trong đó chính sách tập trung hỗ trợ: Nâng cao chất lượng và hoàn thiện sản phẩm; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dựng các tiến bộ khoa học công nghệ để chế biến, chế biến sâu sản phẩm tham gia Chương trình; xúc tiến thương mại; hỗ trợ nâng cao năng lực và trình độ của người sản xuất bảo đảm đáp ứng yêu cầu của Chương trình.

Nguyễn Sơn

Bài viết liên quan