23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Động lực mới của nông nghiệp

Print Friendly, PDF & Email

Ngày 28/4, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KH&CN, Thành ủy Cần Thơ tổ chức “Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021”, lần đầu tiên tập trung bàn chuyên sâu vào một trong những động lực và dư địa then chốt của tái cơ cấu nông nghiệp.

Quang cảnh hội nghị

Hội nghị đã đánh giá tổng quan lĩnh vực chế biến và phát triển thị trường nông sản trong bối cảnh mới đan xen nhiều thách thức và cơ hội, đặc biệt trong sự biến đổi linh hoạt và nhanh chóng xu thế công nghệ chế biến của thế giới. Đó là vấn đề ứng dụng công nghệ số vào tối ưu hóa sản xuất, tài nguyên trong chế biến nông sản của thế giới và hướng tiếp cận với Việt Nam; áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu. Bên cạnh, hội nghị cũng chia sẻ những xu hướng thị trường nông sản thế giới và các vấn đề đặt ra về sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn, các vấn đề liên quan đến xây dựng, bảo hộ thương hiệu và hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, mở cửa thị trường nông sản để tạo tín hiệu dẫn dắt, xung lực mới nhằm hoàn thiện thể chế, tăng hiệu quả thực thi và sự liên kết trong thị trường

Thống kê của Bộ NN&PTNT, từ năm 2016 đến 2020, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp. Cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản, trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015. Trong 5 năm, có 67 nhà máy/cơ sở chế biến lớn với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD được khởi công mới, đi vào hoạt động.

Gian hàng giới thiệu thiết bị bảo quản, chế biến nông sản

Năm năm qua ghi nhận thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được mở rộng cả trong nước và quốc tế, chuyển mạnh sang thương mại chính ngạch. Tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế như: Thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới và hiện có mặt ở trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, hiện nay, sản lượng lúa ước đạt 43,98 triệu tấn, tăng 1,24 triệu tấn; khoai lang ước đạt 1,3 triệu tấn; rau, đậu 17,1 triệu tấn. Cây lâu năm: Sản lượng xoài đạt 788,4 nghìn tấn; thanh long đạt 1,1 triệu tấn; dứa đạt 674,0 nghìn tấn. Sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 3,6 triệu tấn, trong đó khai thác biển ước đạt 3.3 triệu tấn, khai thác nội địa ước đạt 209 nghìn tấn. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 4.4 triệu tấn.

Hệ thống phân phối nông sản nội địa có 8.500 chợ. Trong đó, chợ hạng 1 là 234 chợ (chiếm 2,8%); hạng 2 là 907 chợ (10,7%); hạng 3 là 7.359 chợ (86,5%); chợ đầu mối 94 chợ (1,1%). Đặc biệt, có 1.500 siêu thị, 240 Trung tâm thương mại, 15 Trung tâm hội chợ triển lãm. Ngoài ra, còn có các hình thức kinh doanh online, chợ điện tử.

Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, quá trình phát triển vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh; tổn thất sau thu hoạch còn cao. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến.

Để phát triển trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT nêu hai giải pháp hàng đầu: Một là triển khai thực hiện Quy hoạch ngành giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, phát triển ngành. Hai là, phát triển thị trường, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; phát triển thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu, với mục tiêu nâng cao chất lượng và uy tín thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay nông sản trong nước có 20-30% thông qua chế biến xuất khẩu, còn Đài Loan gần 80% nông sản qua chế biến mới bán ra thị trường. Hai con số cho thấy phương hướng phát triển là tạo ra giá trị gia tăng, giải bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường gặp cảnh trúng mùa rớt giá cũng chính là tạo ra động lực mới cho nông nghiệp. Khả năng chế biến nông sản trong nước rất lớn. Vấn đề là Nhà nước và doanh nghiệp bắt tay kết nối mở rộng thị trường, cùng nghiên cứu khoa học công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản.

                                                                                                HUY ĐẠT

 

Bài viết liên quan