26 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Cái khó của doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nông nghiệp sạch

Print Friendly, PDF & Email

Phát triển ngành nông nghiệp ở nước ta vẫn còn theo cách truyền thống, ứng dụng KHCN và cơ giới hóa còn khiêm tốn, không đồng bộ, nguyên nhân chính là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không có sự phối hợp nhịp nhàng trong nội bộ ngành nông nghiệp và giữa ngành nông nghiệp với các ngành kinh tế khác. Chính vì thế sản xuất nông nghiệp sạch ở nước ta vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết đặc biệt là vẫn theo lối tư duy canh tác cũ, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Thanh long trồng theo phương pháp hữu cơ mang lại năng suất cao

Thế giới bước đến quá trình cơ giới hóa toàn bộ trong ngành nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ, sản lượng tạo ra cao, chi phí sản xuất thấp, tạo nguồn thu ổn định cho nông dân, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp truyền thống, nhưng để đánh giá là nền nông nghiệp hữu cơ thì chưa thể, vì còn sản xuất nhỏ lẻ, không đồng bộ khu vực, chủ yếu tập trung vào sản xuất vô cơ (hóa học), chi phí đầu tư thấp thời gian thu hoạch ngắn. Dần dần, nguồn đất và nước sẽ bị nhiễm hóa chất rất khó để cải tạo như ban đầu và việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ càng xa dần.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư vào quy trình sản xuất nông sản sạch, nhưng chỉ có số lượng ít, việc đầu tư sản xuất và nông nghiệp sạch cái khó nhất chính là làm cách nào để thay đổi tư duy canh tác của người nông dân, thứ hai chính là nguồn vốn và cuối cùng là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt.

Theo anh Tiên Minh Hải – Giám đốc công ty TNHH Nông sản Nhất Quang cho biết: “Muốn thay đổi cách canh tác của người nông dân rất khó, vì họ đã có kinh nghiệm sản xuất theo lối cũ (hóa học), nông dân thấy có lãi sau mùa vụ, giờ chuyển qua làm hữu cơ, phải có người tư vấn, thiết lập quy trình rõ ràng, bám sát, theo dõi cây liên tục, mất nhiều thời gian và công sức nên đa số người nông dân không chịu làm. Ngoài ra, họ không đánh giá cao giá trị của nông sản sạch vì họ sợ làm ra cũng chỉ bán giá ngang nông sản vô cơ nhưng chi phí đầu tư cao hơn 5-10% “, để thuyết phục được thì doanh nghiệp phải đảm bảo đầu ra và giá thành ổn định cho nông dân thì họ mới tin tưởng dùng, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa việc bao tiêu đầu ra là rất khó, thậm chí trong mùa dịch bệnh này càng khó gấp nhiều lần”.

Trồng theo phương pháp hữu cơ vừa đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng vừa mang lại giá trị kinh tế cao

Nước ta đã và đang nghiên cứu thành công nhiều dòng phân bón hữu cơ công nghệ cao, các dòng phân bón nano, phân bón gốc, nhưng việc đưa đến tay người nông dân còn hạn chế, chi phí một số dòng phân bón hữu cơ có giá thành cao phân bón hóa học, đó chính là trở ngại cho người nông dân. Ngoài ra, việc canh tác theo hữu cơ thì thời gian thu hoạch lâu hơn do phải trải qua quá trình tẩy rửa các chất hóa học trong đất đây cũng là một hạn chế làm cho người nông dân thiếu tự tin khi chuyển qua làm nông nghiệp sạch. Anh Hải cho biết thêm.

Lúa là nông sản chủ lực trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ

Với phương hướng hoạch định của Chính phủ về phát triển nông nghiệp hữu cơ từ năm 2020, Việt Nam bắt đầu chuyển dịch cách sản xuất nông nghiệp từ vô cơ sang hữu cơ, tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà nông và doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch, cần tuyên truyền để nông dân hiểu được giá trị thật sự của việc làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Hữu Vũ – Tuấn Nguyễn

Bài viết liên quan