22 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Triển khai thực hiện Dự án LED: Hệ thống Đo lường – Báo cáo – Kiểm chứng (MRV) cho chiếu sáng LED ở Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Dự án “Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam” (Dự án LED) được tài trợ bởi Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và đồng tài trợ bởi các cơ quan/đơn vị liên quan của Việt Nam. Dự án được giao cho Trung tâm Phát triển công nghệ cao (HTD), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) triển khai thực hiện. Mục tiêu của dự án là giảm lượng phát thải các khí nhà kính (Green House Gas – GHG) thông qua sự chuyển đổi thị trường chiếu sáng theo hướng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm chiếu sáng LED sản xuất trong nước. Một trong các mục tiêu quan trọng cần phải thực hiện của Dự án là cung cấp trợ giúp kỹ thuật để xây dựng phương pháp luận và công cụ đo lường, báo cáo và kiểm chứng về việc: (i) sử dụng ngày càng tăng các sản phẩm chiếu sáng LED (trong nhà và ngoài trời) sản xuất nội địa ở Việt Nam với chất lượng cao và giá thành hợp lý, (ii) tiết kiệm năng lượng và (iii) giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Sau quá trình triển khai công tác giai đoạn 1, kết quả bước đầu của hoạt động này đã và đang tiến dần tới mục tiêu Dự án đặt ra.
IMG_3791Sự cần thiết của Hệ thống MRV
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một hệ thống đo lường, báo cáo và kiểm chứng (Measurement, Reporting and Verification – Đo lường, Báo cáo và Kiểm chứng viết tắt là MRV) cho chiếu sáng LED, trong khi hệ thống MRV cho chiếu sáng LED sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả trong đo lường và báo cáo về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính nói chung, và về các chỉ tiêu thành công của dự án nói riêng.
Mặt khác, việc đo lường cần phải có một khoảng thời gian đủ dài (khoảng 10 năm) để thực hiện thì mới có thể phản ánh, kiểm định một cách tương đối đầy đủ về tác động của việc ứng dụng hệ thống chiếu sáng LED. Để tính toán năng lượng tiết kiệm và giảm phát thải, cần kết hợp các nguồn số liệu khác nhau như: số liệu cung cấp đèn bán ra thị trường từ các doanh nghiệp sản xuất đèn trong nước, số liệu nhập khẩu đèn, số liệu điều tra về việc bán và sử dụng đèn,…
Vì vậy, để xác định được lượng tiết kiệm điện năng và lượng giảm phát thải khí GHG thông qua sự chuyển đổi thị trường chiếu sáng theo hướng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm chiếu sáng LED thì việc xây dựng một hệ thống MRV là rất cấp bách. Hệ thống MRV phải bao gồm quy trình, công cụ, biểu mẫu thu thập, kiểm chứng số liệu và kế hoạch thực hiện, giúp cho việc đo lường, tính toán và báo cáo về tác động của Dự án LED được thực hiện một cách hệ thống, chính xác, nhất quán và minh bạch.

Từ bài học kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế
Để xây dựng và vận hành hệ thống MRV ở Việt Nam, việc đầu tiên là triển khai nghiên cứu các bài học kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế về xây dựng và vận hành hệ thống MRV. Ngay trong Quý 3/2016, các chuyên gia Dự án LED đã triển khai và thực hiện nghiên cứu theo các nhóm nội dung: Khung tổng quát của hệ thống MRV nói chung; Các cấu phần của Hệ thống MRV; Phương pháp luận xây dựng hệ thống MRV; Quy trình xây dựng hệ thống MRV; Nguyên tắc triển khai MRV; Các kinh nghiệm thực tiễn.
Từ những kết quả nghiên cứu, tổng hợp các nội dung trên của quốc tế, cách làm và các bài học kinh nghiệm và thực tiễn của các nước, và điều kiện của Việt Nam, bước đầu các chuyên gia của Dự án LED đã tổng kết đúc rút được những kinh nghiệm thực tiễn và bài học có thể áp dụng vào việc xây dựng hệ thống MRV cho Dự án LED. Theo đó, năng lượng tiết kiệm được đo lường thông qua việc so sánh năng lượng sử dụng trước và sau khi có sự can thiệp sử dụng năng lượng hiệu quả. Với Dự án LED, năng lượng tiết kiệm là chênh lệch giữa năng lượng sử dụng cho đèn truyền thống và năng lượng sử dụng cho đèn LED. Các thông tin chính cần cho việc tính toán năng lượng tiết kiệm và giảm phát thải khí GHG gồm vòng đời của thiết bị chiếu sáng, số giờ sử dụng trong ngày và số ngày trong năm, số lượng và công suất của đèn truyền thống và đèn LED. Đối với việc đo lường, tính toán và đánh giá tác động, cần xem xét các yếu tố như phạm vi, quy mô, mức độ phức tạp và tính khả thi nói chung để đảm bảo hệ thống MRV có thể triển khai được.

Xây dựng Hệ thống MRV cho chiếu sáng LED Việt Nam
Từ những kết quả trên, để tiến hành xây dựng Hệ thống MRV cho chiếu sáng LED Việt Nam, các chuyên gia tư vấn đã đồng loạt tiến hành các công việc bao gồm: xác định phạm vi, giới hạn, cơ sở, các phương pháp đánh giá, hệ thống thu thập số liệu, thu xếp thể chế và các quy trình đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng đối với hệ thống MRV, với mục tiêu hệ thống MRV hoàn chỉnh sẽ làm tăng tính minh bạch trong việc báo cáo và kiểm chứng.
Theo đó, hệ thống MRV, bao gồm cả phần mềm, được xây dựng theo hai giai đoạn sau. Giai đoạn 1: Xây dựng đề cương chi tiết và tham vấn ký kiến các đơn vị liên quan, được thực hiện trong Quý 4 năm 2016. Giai đoạn 2: Phát triển Hệ thống MRVvà phần mềm dự thảo, được thực hiện trong Quý 1 năm 2017, sau đó tiến hành tham vấn ý kiến các đơn vị liên quan và hoàn thiện toàn bộ hệ thống trong Quý 2 năm 2017. Cho đến nay, 5 hạng mục công việc chính đã được Dự án LED thực hiện: Rà soát và thống nhất bộ chỉ số đánh giá; Xác định mục tiêu, nguyên tắc và phạm vi của Hệ thống MRV cho chiếu sáng LED Việt Nam; Xây dựng phương pháp đo lường các loại tác động; Xây dựng quy trình triển khai MRV; Xây dựng phần mềm MRVC. Cụ thể như sau:
1./ Rà soát mục tiêu và tác động của Dự án, và thống nhất bộ chỉ số đánh giá
Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (GHG) đối với hoạt động chiếu sáng Dự án sẽ tạo ra tác động tổng thể, đó là tiết kiệm năng lượng từ việc chuyển đổi sử dụng thiết bị chiếu sáng hiện tại sang sử dụng thiết bị chiếu sáng ứng dụng công nghệ LED. Để có được những tác động trên, Dự án triển khai kết hợp các nhóm hoạt động khác nhau (trình diễn, nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật…). Đồng thời tác động tạo ra từ các nhóm hoạt động vì thế cũng khác nhau về phạm vi, thời điểm, mức độ và xác suất xảy ra.
Tác động của Dự án được chia thành ba nhóm như sau: (i) Tác động trực tiếp trong thời gian triển khai Dự án được tạo ra từ các hoạt động trình diễn trong thời gian triển khai Dự án, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật sản xuất đèn LED và thay thế bằng đèn LED tại các địa điểm trình diễn. (ii)Tác động trực tiếp sau dự án được tạo ra từ việc hỗ trợ kỹ thuật trong hai năm cuối của Dự án và tiến hành thay thế bằng đèn LED (bằng vốn đồng tài trợ) sau khi Dự án kết thúc. (iii) Tác động gián tiếp được tạo ra từ các hoạt động gỡ bỏ rào cản đối với việc ứng dụng công nghệ chiếu sáng LED, đặc biệc là từ các nhóm hoạt động nâng cao năng lực, nhận thức, cải tiến môi trường pháp lý, quản lý (tiêu chuẩn chất lượng, cấp nhãn mác, cập nhật quy chuẩn sử dụng sản phẩm LED).
2./ Xác định mục tiêu, nguyên tắc và phạm vi của Hệ thống MRV cho chiếu sáng LED Việt Nam
a/ Mục tiêu của Hệ thống MRV: Mục tiêu của Hệ thống MRV cho chiếu sáng LED Việt Nam là thực  hiện một cách hệ thống, chính xác, minh bạch, tin cậy và bền vững việc đo lường, tính toán, báo cáo và kiểm chứng mức tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải GHG từ việc ứng dụng LED vào hệ thống chiếu sáng ở VN.
b/ Nguyên tắc đo lường tác động: Nguyên tắc chung trong đo lường các nhóm tác động của Dự án là dựa trên sự khác nhau giữa kịch bản không có dự án (kịch bản cơ sở) với kịch bản có triển khai dự án. Sự khác nhau đó được đo lường cụ thể bằng mức năng lượng tiết kiệm và mức giảm phát thải.
Công thức tổng quát tính mức năng lượng tiết kiệm như sau:
Mức năng lượng tiết kiệm = [Năng lượng tiêu thụ theo kịch bản cơ sở] – [Năng lượng tiêu thụ theo kịch bản Dự án LED]
Trong đó: Kịch bản cơ sở là kịch bản không có can thiệp của Dự án LED; Kịch bản Dự án LED là kịch bản triển khai dự án, qua đó thực hiện các can thiệp để thúc đẩy ứng dụng LED vào hệ thống chiếu sáng;
Công thức tổng quát tính mức giảm phát thải như sau:
Mức giảm phát thải CO2 = [Mức năng lượng tiết kiệm] x [Hệ số phát thải]
Trong đó, hệ số phát thải được sử dụng là 0,6244kg/kWh (theo Quyết định 513/KTTVBDKH ngày 28/5/2013). Để kết quả đo lường chính xác hơn, cần thực hiện một số hiệu chỉnh bổ sung đối với kịch bản cơ sở do những tác động khác ngoài tác động của Dự án.
c/ Phạm vi của hệ thống MRV
Thứ nhất,  Phạm vi đo lường mức tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.  Hệ thống MRV này sẽ đo lường tác động trên tất cả các lĩnh vực nói chung trên phạm vi cả nước thông qua phương pháp tính toán dựa trên số liệu vĩ mô (top-down). Tuy nhiên, ngoài tác động của Dự án, còn có tác động từ các hoạt động khác cũng như sự phát triển và ứng dụng của công nghệ LED kể cả khi không có Dự án. Theo Hướng dẫn của GEF , hệ số tác động  được tính cho Dự án là 40% và tác động khác là 60%.
Thứ hai, Phạm vi áp dụng của Hệ thống MRV. Hệ thống MRV này được xây dựng trước tiên là để theo dõi và đánh giá Dự án LED. Phương pháp luận và phần mềm được thiết kế theo hướng có thể tùy biến để có thể áp dụng cho các dự án tương tự trong cùng lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Bên cạnh đó, phương pháp top-down được áp dụng trong Hệ thống này có thể sử dụng để tính toán mức năng lượng tiết kiệm và giảm phát thải của hệ thống chiếu sáng LED ở Việt Nam (không áp dụng hệ số tạo ra kết quả – causality ratio).
3/ Xây dựng phương pháp đo lường các loại tác động của Dự án
Thứ nhất, Phương pháp đo lường tác động trực tiếp trong thời gian thực hiện dự án.  Tác động trực tiếp trong thời gian thực hiện dự án được tạo ra từ hoạt động trình diễn việc thay thế đèn hiện có bằng đèn LED sản xuất trong nước đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tại 6 địa điểm trên toàn quốc.
Năng lượng tiết kiệm được tính bằng chênh lệch giữa mức năng lượng tiêu thụ giữa hai kịch bản – kịch bản tiếp tục sử dụng hệ thống đèn hiện có và kịch bản thay đèn hiện có bằng đèn LED.
Năng lượng tiết kiệm = [Năng lượng tiêu thụ của hệ thống đèn hiện có được thay thế] – [Năng lượng tiêu thụ của hệ thống đèn LED được lắp đặt]
Số liệu đầu vào để tính toán theo công thức trên gồm (1) Số lượng đèn thực tế được thay thế theo từng loại, công suất tiêu thụ, tuổi thọ và giá thành và (2) Số lượng đèn LED thay thế theo từng loại, công suất tiêu thụ, tuổi thọ và giá thành.
Thứ hai, Phương pháp đo lường tác động trực tiếp sau khi dự án kết thúc
Từ hỗ trợ kỹ thuật trong hai năm cuối dự án, việc thay thế đèn hiện có bằng đèn LED sẽ được thực hiện sau khi dự án kết thúc. Đầu tư cho việc thay thế này là vốn đồng tài trợ của dự án nên được tính là tác động trực tiếp sau khi dự án kết thúc.
Tương tự như tác động trực tiếp, việc tính toán năng lượng tiết kiệm được tính bằng chênh lệch giữa mức năng lượng tiêu thụ giữa hai kịch bản – kịch bản tiếp tục sử dụng hệ thống đèn hiện có và kịch bản thay đèn hiện có bằng đèn LED. Tuy nhiên, do việc thay thế tiến hành sau khi dự án kết thúc, do đó, nếu đánh giá tác động trước khi hoạt động được triển khai thì tác động đó là không chắc chắn. Vì thế, cần sử dụng thêm Hệ số khả năng sẽ thực hiện việc thay thế đèn. Hệ số này phản ánh xác suất xảy ra của hoạt động này. Công thức tổng quát tính năng lượng tiết kiệm từ hoạt động này như sau:
Năng lượng tiết kiệm = ([Năng lượng tiêu thụ của hệ thống đèn hiện có được thay thế] – [Năng lượng tiêu thụ của hệ thống đèn LED được lắp đặt]) x [Hệ số xác suất thực hiện hoạt động]
Số liệu đầu vào để tính toán theo công thức trên gồm (1) Số lượng đèn thực tế được thay thế theo từng loại, công suất tiêu thụ, tuổi thọ và giá thành, (2) Số lượng đèn LED thay thế theo từng loại, công suất tiêu thụ, tuổi thọ và giá thành, và (3) Xác suất thực hiện hoạt động (Xác suất này được ước tính dựa vào mức độ hoàn thành hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, các bước chuẩn bị và sự sẵn sàng tham gia của các đơn vị tham gia trong hai năm cuối dự án).
Thứ ba, Phương pháp đo lường tác động gián tiếp dựa trên mức độ nhân rộng của dự án (bottom-up)
Cận dưới của khoảng tác động gián tiếp được tính toán dựa trên khả năng nhân rộng của dự án sau khi dự án kết thúc. Theo phương pháp này, tác động gián tiếp được tính toán theo công thức sau:
Tác động gián tiếp = [Tác động trực tiếp trong thời gian thực hiện dự án] x [Số lần nhân rộng của dự án trong khoảng thời gian 10 năm từ khi kết thúc dự án]
Để tránh trùng lặp trong việc tính toán (tính hai lần), tác động trực tiếp sau dự án không được tính vào trong công thức trên.
Theo GEF, số lần nhân rộng đối với dự án thuộc lĩnh vực này (chuyển đổi thị trường – market transformation) là 3 lần. Tuy nhiên, cần đánh giá và áp dụng một hệ số phù hợp đối với dự án này.
Thứ bốn, Phương pháp đo lường tác động gián tiếp dựa trên số liệu vĩ mô (top-down)
Tác động gián tiếp của dự án được đo lường trên phạm vi toàn quốc và kéo dài trong khoảng thời gian 10 năm từ khi dự án kết thúc. Cơ sở tính toán bao gồm (i) các số liệu vĩ mô liên quan ở cấp toàn quốc, cấp ngành (ngành chiếu sáng, ngành điện, hải quan, năng lượng), và (ii) số liệu thu thập thông qua khảo sát các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, đại lý, cửa hàng và người sử dụng.
Công thức tổng quát để tính năng lượng tiết kiệm và giảm phát thải của hầu hết các loại đèn LED trong 10 năm như sau:
KHCN 27
Tổng mức giảm phát thải = [Tổng năng lượng TK] x [Hệ số phát thải]
Trong đó:
Năng lượng tiết kiệm của LED L trong năm Y = [Số lượng của loại đèn được thay thế trong năm Y]* [Công suất của đèn được thay thế] – [Số lượng của loại đèn LED L trong năm Y] x [Công suất của loại đèn LED L]
Việc tính toán được thực hiện theo bốn bước: Bước 1: Tính tổng số lượng đèn LED được sử dụng; Bước 2: Tính tỷ lệ % giữa các loại đèn LED; Bước 3: Tính số lượng từng loại đèn LED được sử dụng; Bước 4: Tính năng lượng tiết kiệm và giảm phát thải; hiệu chỉnh.
4/ Xây dựng quy trình triển khai MRV
Quy trình chung trong việc xây dựng và vận hành Hệ thống MRV bao gồm 8 bước cơ bản và được thực hiện theo thứ tự như sau:
(1) Xác định cần đo lường và báo cáo nội dung gì (chỉ số chính): Việc đầu tiên trong các bước xây dựng Hệ thống MRV là phải xác định cụ thể cần đo lường và báo cáo nội dung gì. Đây chính là cơ sở quan trọng để xác định mục tiêu, định hướng và phạm vi công việc cho các bước tiếp theo.
(2) Xây dựng phương pháp đo lường và tính toán, và số liệu đầu vào: Cần xây dựng phương pháp đo lường và tính toán đối với từng chỉ số, để trên cơ sở đó xác định các loại số liệu đầu vào cần thiết. Những phương pháp này còn là cơ sở để xây dựng công cụ/phần mềm MRV.
(3) Xây dựng kịch bản cơ sở; thu thập, tập hợp số liệu cơ sở: Kịch bản cơ sở và số liệu đi kèm rất quan trọng trong đo lường tác động, ảnh hưởng đến tính khả thi và mức độ chính xác của việc đo lường.
(4) Xây dựng công cụ MRV: Công cụ MRV phải sẵn sàng để có thể đo lường kịp thời. Nguyên tắc và phương pháp luận tính toán cũng phải được đưa vào để đảm bảo việc đo lường tác động được thực hiện đúng mục tiêu và phương pháp đề ra.
(5) Thu thập số liệu trong quá trình triển khai dự án và sau khi dự án kết thúc: Các số liệu đầu vào cho việc tính toán tác động cần thu thập trong thời gian thực hiện dự án để đo lường và báo cáo tác động trong thời gian dự án. Nếu nguồn lực cho phép, có thể thu thập số liệu sau khi dự án kết thúc để đo lường tác động của dự án chính xác hơn.
(6)Tính toán mức tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải: Xử lý số liệu thu thập, đưa vào công cụ MRV để tính toán mức năng lượng tiết kiệm và giảm phát thải.
(7) Báo cáo kết quả tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải: Phân tích và báo cáo kết quả tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải dựa trên kết quả tính toán từ công cụ MRV.
(8) Kiểm chứng kết quả, quá trình đo lường và báo cáo: Tiến hành kiểm chứng hoặc hỗ trợ kiểm chứng nếu có yêu cầu và nguồn lực cho phép.
5/ Xây dựng phần mềm (công cụ) MRV
Mục đích của phần mềm MRV
Đây là công việc, kết quả mang tính tổng hợp các công đoạn của việc xây dựng Hệ thống MRV. Việc đo lường tác động được thực hiện trên cơ sở xử lý các nguồn số liệu (số liệu cơ sở và số liệu cập nhật trong và sau thời gian thực hiện dự án) và tính toán theo phương pháp luận đã xây dựng. Để thực hiện việc này một cách hiệu quả, cần xây dựng công cụ (phần mềm) MRV nhằm: Quản lý số liệu tập trung, hệ thống và theo cấu trúc nhất quán; Tích hợp các nguồn số liệu khác nhau; Tính toán tác động theo phương pháp luận và thuật toán đã xây dựng; Linh hoạt trong việc điều chỉnh tham số trong tính toán; Kết xuất số liệu tổng hợp và kết quả tính toán (để phân tích, chia sẻ); Liên kết với các hệ thống khác.
Các bước xây dựng
Phần mềm MRV sẽ được thiết kế và xây dựng theo 7 bước sau: (1) Phân tích yêu cầu và thiết kế. (2) Thiết kế phiên bản demo (prototype) và tham vấn ý kiến. (3) Phát triển phần mềm, gồm lập trình, chạy thử chức năng và chạy thử toàn bộ phần mềm. (4) Đưa (import) các số cần thiết vào phần mềm để thử nghiệm toàn bộ phần mềm. (5) Trình diễn và lấy ý kiến các bên liên quan, sau đó hoàn thiện phần mềm. (6) Viết hướng dẫn sử dụng, gồm hướng dẫn cách sử dụng phần mềm nói chung và các chức năng cụ thể như nhập số liệu, thực hiện tính toán, in/xuất báo cáo đầu ra… (7) Hướng dẫn cách sử dụng & bàn giao cho Ban quản lý Dự án.
Về thiết kế chức năng phần mềm MRV.  Phần mềm MRV được xây dựng với các chức năng chính sau: Nhập và kiểm tra tính hợp lý của số liệu; Tính toán và báo cáo theo các chỉ số trong bộ chỉ số đánh giá đã thống nhất; Kết xuất số liệu và kết quả (xem, in, xuất báo cáo ra Excel)
Cấu trúc cơ sở dữ liệu
Cơ sở dữ liệu được thiết kế gồm nhiều bảng dữ liệu có quan hệ với nhau như trong sơ đồ sau:
KHCN 28Về công nghệ
Phần mềm sẽ được thiết kế chạy trên máy tính đơn (desktop), gồm giao diện người dùng và cơ sở dữ liệu. Phần mềm sẽ được phát triển trên nền MS Access – phiên bản 2010 hoặc mới hơn và chạy trên máy tính hệ điều hành Windows 7 hoặc mới hơn. Phần lập trình các chức năng sẽ được viết bằng ngôn ngữ VBA chạy trực tiếp trong MS Access.
Cách tính toán tác động gián tiếp dựa trên số liệu vĩ mô (Indirect Topdown) trong phần mềm MRV Phần này trình bày tóm tắt các bước ứng dụng đưa phương pháp tính toán vào phần mềm MRV tính toán tác động gián tiếp dựa trên số liệu vĩ mô (Indirect Topdown).
Tính toán tổng số đèn LED trên toàn thị trường. Quy trình tính toán tổng số lượng thiết bị chiếu sáng LED trên toàn thị trường như trong sơ đồ sau:
KHCN 29Theo sơ đồ trên, việc tính toán tổng số đèn LED dựa trên 3 nguồn số liệu như sau: (i) Tính tổng số đèn LED dựa vào số liệu của các công ty sản suất đèn LED trong nước và số liệu nhập khẩu. (ii) Tính tổng số đèn LED dựa vào số liệu khảo sát các đại lý, nhà phân phối và các cửa hàng bán đèn. (iii) Tính tổng số đèn LED dựa vào số liệu khảo sát người sử dụng
Tính tỷ lệ % của từng loại đèn LED trên toàn thị trường (Indirect Topdown)
Quy trình tính toán tỷ lệ % của từng loại đèn LED trên toàn thị trường như trong sơ đồ sau:
KHCN 30Tỷ lệ % của từng loại đèn LED trên toàn thị trường được tính theo hai bước sau:  Bước một: Tính % của từng loại đèn trong nội bộ từng đơn vị cung cấp số liệu, chẳng hạn như trong nội bộ một công ty sản xuất (như Rạng Đông, Điện Quang, Schreder), một đại lý hoặc một hộ gia đình, một văn phòng…  Bước hai: Tính % của từng loại đèn trên toàn thị trường theo số liệu của từng nguồn (gồm ba nguồn là cung, phân phối và sử dụng như đã nêu ở trên). Riêng đối với nguồn số liệu về cung, do trên thị trường có một số ít doanh nghiệp lớn chiếm đa số thị phần, nên phần trăm về thị phần của các doanh nghiệp sẽ được sử dụng làm trọng số (weight) cho việc tính toán để tăng mức độ chính xác.
Tính năng lượng tiết kiệm và giảm phát thải CO2 trên toàn thị trường (Indirect topdown impact).
Năng lượng tiết kiệm và giảm phát thải CO2 trên toàn thị trường được tính theo 3 bước sau: (i)Tính số lượng đèn LED theo từng loại đèn. (ii) Tính toán và ngoại suy % tăng trưởng của từng loại đèn LED. (iii)Tính năng lượng tiết kiệm và giảm phát thải CO2
Số liệu đầu vào
Số liệu đầu vào cho phần mềm để phục vụ cho việc tính toán vào báo cáo theo 15 chỉ số trên bao gồm: Số liệu thay thế đèn của hoạt động trình diễn của Dự án; Số liệu từ các doanh nghiệp sản xuất đèn LED trong nước; Số liệu nhập khẩu từ Hải quan; Số liệu khảo sátcác nhà phân phối, đại lý, cửa hàng bán đèn LED; Số liệu khảo sát các cơ sở kinh doanh, thương mại; Số liệu khảo sát hộ gia đình.

Trần Hậu

Bài viết liên quan