22 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Một số văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2017 và chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 10/2017

Print Friendly, PDF & Email

I. MỘT SỐ VĂN BẢN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRONG THÁNG 9/2017
– Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Ngày 01/09/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, về đào tạo sau đại học, Nghị định quy định cán bộ, công chức phải đáp ứng điều kiện: Có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
– 4 biện pháp bảo đảm phải đăng ký
Chính phủ ban hành Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Nghị định nêu rõ các biện pháp bảo đảm phải đăng ký gồm: a) Thế chấp quyền sử dụng đất; b) Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; c) Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; d) Thế chấp tàu biển.
– Tổ chức, hoạt động và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội
Ngày 12/09/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Theo đó, cơ sở trợ giúp xã hội có nhiệm vụ tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng như: Nơi cư trú tạm thời, thức ăn, quần áo và đi lại; tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng;…
– Quy định mới về phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai
Chính phủ ban hành Nghị định 104/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.
Nghị định này thay thế Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013.
– Quy định mới về kinh doanh rượu
Ngày 14/09/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu.
Nghị định quy định rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.
– Sản xuất, mua bán thuốc lá sẽ phải có giấy phép
Theo Nghị định 106/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 thì kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán sản phẩm thuốc lá; chế biến nguyên liệu thuốc lá, mua bán nguyên liệu thuốc lá và đầu tư trồng cây thuốc lá phải có giấy phép theo quy định.
– Ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
Ngày 15/09/2017, Chính phủ  ban hành Nghị định 107/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CPngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.
Trong đó, về chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, Nghị định bổ sung quy định ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã thực hiện các dịch vụ công ích, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm và hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định chính sách cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.
– Quy định mới về quản lý phân bón
Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/09/2017 về quản lý phân bón. Nghị định này thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP.
Theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP, phân bón không được công nhận lưu hành khi:1- Có chứa các yếu tố gây hại vượt mức giới hạn tối đa theo quy định tại các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia hoặc theo quy định tại Phụ lục V Nghị định này trong thời gian chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia và các quy định khác có liên quan; 2- Có bằng chứng khoa học về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường; 3- Trùng tên với phân bón khác đã được công nhận lưu hành.
– Quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ và quản lý Di sản thế giới
Ngày 21/09/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.
Theo quy định, khu vực di sản thế giới được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
– Cơ chế tài chính đối với Cục viễn thông,Cục Tần số vô tuyến điện
Ngày 15/09/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 39/2017/QĐ-TTg về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục viễn thông và Quyết định 40/2017/QĐ-TTg về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Tần số vô tuyến điện.
Theo đó, Cục viễn thông và Cục Tần số vô tuyến điện được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này.
– Quy định điều chuyển công trình điện vốn nhà nước sang EVN quản lý
Ngày 15/09/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 41/2017/QĐ-TTg quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý.
Theo quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị có công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước lập hồ sơ đề nghị điều chuyển, gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để báo cáo bộ, cơ quan trung ương đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý, UBND cấp tỉnh đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý.
– Thủ tục tàu bay xuất, nhập cảnh qua Cơ chế một cửa quốc gia
Ngày 26/09/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Về trách nhiệm thực hiện thủ tục đối với tàu bay xuất cảnh, Quyết định quy định người làm thủ tục khai báo theo phương thức điện tử các thông tin, chứng từ sau thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia: Bản khai hàng hóa xuất khẩu bằng đường hàng không và vận đơn chủ đối với tàu bay xuất cảnh có vận chuyển hàng hóa xuất khẩu); danh sách hành khách đối với tàu bay xuất cảnh có vận chuyển hành khách; danh sách tổ bay;…
– Tăng cường công tác lập và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 7/9/2017 về tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử.
Theo đó, để thực hiện nghiêm quy định về lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử các cấp, kịp thời bảo vệ, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm việc lập hồ sơ công việc và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh theo trách nhiệm quy định tại Điều 9 và Điều 19 Luật Lưu trữ. Chậm nhất đến hết năm 2021, các ngành, các cấp giải quyết dứt điểm tài liệu được hình thành từ năm 2015 trở về trước đang bó gói, tồn đọng tại các cơ quan, tổ chức.
– Tăng cường giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương
Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 37/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương.
Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, quản lý vay, trả nợ vay CQĐP chặt chẽ, bảo đảm không vượt quá mức dư nợ tối đa của từng tỉnh, thành phố theo quy định của luật. Đồng thời, việc vay, trả nợ phải bảo đảm tuân thủ kế hoạch vay, trả nợ hằng năm của CQĐP được Quốc hội phê duyệt.
– Triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10
Ngày 13/09/2017, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1369/CĐ-TTg về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10 năm 2017.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương có liên quan hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”.
– Triển khai ứng phó sự cố, thiên tai
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Quyết định số 1304/QĐ-TTg ngày 3/9/2017.
Mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung đã được xác định trong Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm cở sở để các bộ, ngành, địa phương quán triệt triển khai thực hiện Nghị định kịp thời, hiệu quả.
– Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tại Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017.
Đề án sẽ triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác.
– Lập hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân
Ngày 11/09/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1333/QĐ-TTg thành lập Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú để giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 14.

II- MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CỦA CHÍNH PHỦ CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 10/2017
– Công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC
Nghị định 83/2017/NĐ-CP ngày 18/07/2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực 04/10/2017.
Nghị định này quy định về bố trí lực lượng và hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; nguyên tắc, quan hệ phối hợp, bảo đảm điều kiện và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
– Tiêu chuẩn danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, cơ sở
Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/07/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng có hiệu lực từ 01/10/2017, trong đó quy định tiêu chuẩn danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, Chiến sĩ thi đua cơ sở.
– 20 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền Nhà nước
Theo Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại có hiệu lực từ 01/10/2017, 20 hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại.
Nghị định nêu rõ, chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia..
– Bổ sung quy định xác định đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức
Có hiệu lực từ ngày 05/10/2017, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP 18/08/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
Trong đó, Nghị định bổ sung quy định về các tiêu chí xác định đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức. Theo quy định mới, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện: 1- Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; 2- Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
– Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 21/10/2017, trong đó Nghị định quy định về đối tượng, điều kiện đào tạo, hình thức bồi dưỡng.
– 4 biện pháp bảo đảm phải đăng ký
Theo Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm có hiệu lực từ 15/10/2017,  4 các biện pháp bảo đảm phải đăng ký gồm: 1- Thế chấp quyền sử dụng đất; 2- Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; 3- Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; 4- Thế chấp tàu biển./.

PV

Bài viết liên quan