23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Một số Chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 8

Print Friendly, PDF & Email

– Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch
Có hiệu lực từ ngày 01/08/2019, Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/05/2019 của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
– Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao phạt đến 100 triệu đồng
Nghị định 46/2019/NĐ-CP ngày 27/05/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực từ ngày 1/8/2019, theo đó, mức phạt tối đa trong lĩnh vực thể thao được quy định tại Nghị định này là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
– Quản lý phương tiện phục vụ vui chơi dưới nước
Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05/06/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước có hiệu lực từ ngày 15/08/2019.
Nghị định trên quy định vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước gồm 2 vùng: Vùng 1 là vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải; vùng 2 là vùng nước khác không thuộc vùng 1, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu có màu sắc dễ quan sát.
Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan có thẩm quyền sẽ quy định khoảng thời gian trong ngày được phép tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí tại 2 vùng trên.
– Vi phạm hành chính trong hoạt động KHCN phạt đến 100 triệu đồng
Theo Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ban hành ngày 13/06/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ có hiệu lực từ 01/08/2019, mức phạt tiền tối đa trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.
– Điều kiện của người được đề nghị đặc xá
Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày 14/06/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá có hiệu lực từ ngày 01/08/2019, trong đó quy định cụ thể các điều kiện của người được đề nghị đặc xá.
– Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/06/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 16/08/2019.
Nghị định này quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
– Tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng
Theo Nghị định 58/2019/NĐ-CP ban hành ngày 01/07/2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 15/08/2019, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định 58/2019/NĐ-CP là 1.624.000 đồng (quy định cũ tại Nghị định 99/2018/NĐ-CP là 1.515.000 đồng).
– Quy định về tặng, nhận quà tặng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
Theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CPngày 01/07/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ 15/08/2019, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.
– Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam
Theo Nghị định 61/2019/NĐ-CP ban hành ngày 10/07/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực từ ngày 28/08/2019. Theo đó, hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam gồm:
1. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;
2. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam:
a) Các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4;
b) Các Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 1, 2, 3, 4;
c) Các Đoàn Trinh sát số 1, 2;
d) Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển.
3. Các cơ quan, đơn vị đầu mối và cấp cơ sở trực thuộc các đơn vị trên.
Cơ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam gồm Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Cục Hậu Cần, Cục Kỹ thuật, các cơ quan trực thuộc Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam./.

PV

anhsangvacuocsong

Bài viết liên quan