24 C
Hanoi
Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

Lai Châu cần tăng cường các mô hình liên kết, hợp tác xã sản xuất

Print Friendly, PDF & Email

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tỉnh Lai Châu cần triển khai thực Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” một cách quyết liệt theo hướng tập trung thâm canh một số cây trồng chủ lực như chè, cao su, cây ăn quả… nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thúc đẩy các mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến (công nghệ gen, công nghệ chế biến…), liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng các vật nuôi cây trồng có giá trị kinh tế cao, các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế gắn với thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, chất lượng cao, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ cho xuất khẩu.
Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường các mô hình liên kết, hợp tác xã sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Củng cố, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã. Nghiên cứu triển khai thực hiện Chương trình phát triển 15.000 hợp tác xã, Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 (OCOP), Chương trình nông thôn mới thôn, bản…
Bên cạnh đó huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới phấn đấu đến năm 2020 đạt 40 – 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới ngoài các xã cần tập trung xây dựng nông thôn mới vào các thôn, bản ở các vùng khó khăn. Tập trung bảo vệ và phát triển rừng (tái tạo các diện tích rừng đã bị mất) tăng độ che phủ gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng; chú trọng chế biến sâu sản phẩm lâm nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Lai Châu tăng cường khai thác lợi thế và thế mạnh của một tỉnh biên giới, nâng cao hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu (Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng), phát triển kinh tế biên mậu, áp dụng các biện pháp, giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Rà soát lộ trình đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ đảm bảo hiệu quả, không ảnh hưởng đến môi trường. Tập trung định hướng phát triển 04 cụm công nghiệp theo trục liên kết, đầu tư hạ tầng thương mại (chợ… ), dịch vụ. Chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; kịp thời di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở và khắc phục kịp thời hậu quả thiệt hại do thiên tai.
Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của địa phương hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh và có khả năng cạnh tranh cao; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã… nhất là các doanh nghiệp trong nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.

PV

https://anhsangvacuocsong.vn/

Bài viết liên quan