23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Hậu Giang: 22 năm, chưa xong vụ đất đai của gia đình liệt sỹ

Print Friendly, PDF & Email

Giữa chừng câu chuyện, bà Phạm Thị Bông, 78 tuổi, vợ liệt sỹ ở thị trấn Búng Tàu (Phụng Hiệp, Hậu Giang) lại ra xua đuổi thợ xây dựng nâng cấp cơ sở y tế cất trên đất chưa bồi thường của bà.
Tính ra đã 22 năm, chính quyền địa phương mượn đất của bà Phạm Thị Bông để xây dựng cơ sở y tế, sau đó lấy luôn mà chưa bồi thường. Về thiệt thòi của gia đình bà Bông, khó kể hết trong 22 năm qua, đến mức có lúc bà đã tính tự tử để giữ đất.

Bà Bông mong chính quyền nâng giá bồi thường cho bà đỡ thiệt thòi.

Năm 1992, bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời và năm 2002, đổi sang sổ đỏ diện tích ghi 2.142 m2. Khởi sự năm 1996, cán bộ xã mượn đất của bà để cất trạm y tế với lời hứa đền bù, nhưng lời hứa gió bay. Giữa năm 2009, địa phương mở rộng trạm y tế thành Phòng khám Đa khoa khu vực Búng Tàu, tiếp tục lấy đất của bà, tổng cộng hơn 1.100 m2. Khi đó, bà khóc lóc ngăn cản không được, khiếu nại đến đâu cũng không giải quyết. Bà vẫn khiếu nại thì năm 2014, UBND huyện ra quyết định thu hồi sổ đỏ của bà với lý do “chồng lên đất trạm y tế”. Trong hoàn cảnh gia đình chính sách, chồng và em ruột đã hy sinh, anh trai thương binh cũng đã qua đời, hai con trai thì quá hiền lành với nghề chạy xe ôm, không biết bấu víu vào đâu, bà quyết dùng cái chết để giữ đất cho con. Bà kể: “Tôi mua chai thuốc trừ sâu, mấy ngày ngồi trong mùng khóc rồi đi từ biệt người thân để nhắm mắt xuôi tay. Nhưng chuyến đi từ biệt lại làm nhiều người biết tình cảnh nên xúm vào giúp đỡ tôi”.

Bà Bông ngăn cản việc thi công nâng cấp cơ sở y tế.

Khiếu nại của bà bắt đầu được chính quyền xem xét, tuy nhiên vẫn đầy trắc trở. Ngày 15/4/2016, UBNN tỉnh Hậu Giang ra công văn số 561 bác khiếu nại của bà, cho rằng đất ấy là của người anh thương binh của bà, và người anh đã hiến cho nhà nước. Chính quyền không có chứng cứ, còn người anh thương binh đã qua đời. Bà liền đi tìm chị dâu (vợ người anh thương binh) làm ăn lưu lạc tận vùng U Minh thượng, được xác nhận đất ấy của bà Bông. Thêm nhiều người giúp đỡ, bà Bông khởi kiện ra TAND tỉnh Hậu Giang, yêu cầu hủy công văn số 561 của UBND tỉnh để bồi thường đất cho bà.
Ngay buổi đối thoại tại tòa đầu tiên, trước sự thật và nghiêm túc lắng nghe, phía bị kiện đề nghị tòa tạm hoãn xét xử để “có hướng giải quyết thỏa đáng cho hộ bà Phạm Thị Bông”. Ngày 12/5/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ra công văn thu hồi công văn số 561. Từ đó khởi động việc tính toán bồi thường cho bà Bông, mãi đến ngày 22/6/2018, UBND huyện Phụng Hiệp mời bà làm việc bồi thường.
Theo đó, Bà đồng ý hiến 514 m2, còn 678,2 m2 phải bồi thường 300 triệu đồng cùng bồi thường cây trồng 100 triệu, tổng cộng 400 triệu. Chính quyền chỉ bồi thường đất với giá 169.000 đồng/m2, thành tiền hơn 114,6 triệu đồng, còn bồi thường cây trồng “không có cơ sở giải quyết”. Trong lúc, giá đất thị trường cao gấp nhiều lần. Còn cây trồng hồi đó, bà ghi chép đầy đủ: đang cho trái có 28 cây xoài, 32 cây dừa, 17 cây nhãn, 13 cây mít, 4 cây bưởi, 4 cây vú sữa, 45 bụi chuối và một vườn ươm 240 cây giống chuẩn bị trồng, thêm 307 cây tre. Nên bà Bông không chấp thuận giá bồi thường quá thấp.
Chủ trì buổi làm việc là Phó chủ tịch UBND huyện Lê Như Lê. Khi được hỏi cơ sở tính giá bồi thường thấp? Ông Lê trả lời: “Đấy là giá quy định của UBND tỉnh, căn cứ vào khảo sát các hợp đồng mua bán của người dân. Vì muốn giảm các loại thuế phải đóng, người dân ghi trong hợp đồng giá thấp hơn thực tế mua bán. Bây giờ dùng tiền ngân sách bồi thường cho đất xây dựng cơ sở y tế, phải căn cứ giá quy định, không làm khác được dù chúng tôi biết gia đình bà Bông đã có nhiều thiệt thòi”.

SÁU NGHỆ

Bài viết liên quan