24 C
Hanoi
Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

Hà Nội: Quản lý hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn – những thách thức cần sớm vượt qua

Print Friendly, PDF & Email

*Hoàng Đình Trọng

Từ năm 2012 đến nay, Thành phố (TP) Hà Nội có hơn 135.000 lao động, bằng 89,5% lao động nông thôn (LĐNT) qua đào tạo nghề (ĐTN) tìm được việc làm hoặc tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn do ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Thông qua hoạt động dạy nghề, học nghề, một số mô hình điểm về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hình thành và nhân rộng. Quản lý hoạt động ĐTN cho LĐNT đã theo hướng chất lượng, hiệu quả vừa giúp nhiều lao động có việc làm, vừa góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn TP tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định cần khắc phục.

Thực trạng quản lý hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay

Công tác dạy nghề cho LĐNT  chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Số LĐNT được đào tạo nghề trên địa bàn TP Hà Nội tăng giảm không đều. Năm 2016, toàn Thành phố đã đào tạo nghề cho 30.490 lao động nông thôn tăng 44% so với năm 2015. Tổng kinh phí đào tạo nghề đạt 69,815 tỉ đồng, tăng 56,9% so với năm 2015. Năm 2017, thành phố đã đào tạo nghề cho 23.415 lao động nông thôn giảm 23,2% so với năm 2016 và tăng 10,59% so với năm 2015.

Thực tế, một bộ phận lớn lao động nông thôn (65,7%) sau khi tham gia học nghề tiếp tục làm nghề nông nghiệp cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên, tiết kiệm được chi phí sản xuất (5-20%), hiệu quả, thu nhập tăng (10-30%). Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, được chuyển nghề, có việc làm ngay tại xã, thực hiện ly nông, bất ly hương. Một bộ phận lao động nông thôn đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho bản thân và các lao động khác. Số người thoát nghèo, số người có thu nhập khá tăng, có nhiều hộ làm giàu (có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm). Bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới. Điều đó có thể khẳng định là công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong 3 năm qua của thành phố về cơ bản là đúng hướng và có kết quả bước đầu, tạo cơ sở để nâng số lượng và chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới.

Tuy nhiên, việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế; thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thị trường.

Công tác hỗ trợ tìm kiếm việc làm đối với người tham gia ĐTN cho LĐNT còn hạn chế. Nên vẫn còn một bộ phận khá lớn người lao động chưa nhận được thông tin hỗ trợ việc làm, chưa tìm được việc làm, hoặc phải đào tạo lại khi vào làm việc tại doanh nghiệp. Các hình thức hỗ trợ liên kết đào tạo gắn với giải quyết việc làm chưa tốt, chưa thực hiện tốt tư vấn hướng nghiệp cho các học viên khi đăng ký học nghề nên học xong nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Phương pháp đào tạo chủ yếu là tập trung ở trên lớp, do đó nhiều nông dân không có điều kiện để tham gia với thời gian ba tháng; một số nội dung đào tạo theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện nay như: sản xuất công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu không có trong chương trình đào tạo.

Một số nơi, dạy nghề còn chạy theo số lượng; chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động. Nguyên nhân của hạn chế trên một phần do một số cơ sở dạy nghề theo chỉ tiêu, lập hồ sơ khống để đảm bảo số lượng mà cơ sở được giao giảng dạy. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đào tạo nghề, chất lượng đào tạo nghề và việc làm sau đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội.

          Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề còn thiếu và chưa đạt tiêu chuẩn

Hiện nay, đa số các cơ sở dạy nghề trên địa bàn Tp Hà Nội có đủ thiết bị thực tập cơ bản. Gần 50% số cơ sở dạy nghề được xây dựng, cải tạo, mở rộng đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Một số cơ sở dạy nghề được đầu tư tập trung, trọng điểm, đã có thiết bị hiện đại ở một số nghề, được xây dựng đồng bộ từ phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, thư viện, ký túc xá, khu giáo dục thể chất…. Ngoài hệ thống phòng học lý thuyết, xưởng thực hành nêu trên, các cơ sở dạy nghề còn hợp đồng liên kết thêm hàng trăm phòng học lý thuyết tại các xã để dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, hàng trăm xưởng thực hành của các cơ sở sản xuất phục vụ quá trình thực tập cho học sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn như sau:

– Ở một số trường diện tích sử dụng đất không đáp ứng điều kiện tối thiểu theo quy định như: Trường Cao đẳng nghề (CĐN) Kỹ thuật thiết bị y tế, Trường CĐN Điện, Trường CĐN Kỹ thuật Mỹ nghệ Việt Nam, Trường CĐN Long Biên, Trường CĐN Cơ điện và Công nghệ thực phẩm Hà Nội, Trường CĐN Văn Lang, Trường CĐN Hùng Vương, Trường CĐN Bách Khoa Hà Nội, Trường CĐN Phú Châu, Trường CĐN Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội… Đối với các đơn vị công lập thuộc Thành phố, quận, huyện quản lý: có 1/3 Trường CĐN, 4/7 trường Trung cấp nghề diện tích không đáp ứng quy định (chiếm 57,1%), đặc biệt có 1 trường diện tích dưới 1.000 m2, 4/16 Trung tâm dạy nghề không đáp ứng diện tích theo quy định (chiếm 25%).

– Phần lớn các trường chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng học, giảng đường theo quy định (1,3 m2/học sinh).

– Một số trường chưa có cơ sở riêng, phải thuê giảng đường, phòng làm việc. Do vậy địa điểm phân tán, nhiều nơi đào tạo, khiến cho việc triển khai các hoạt động đào tạo gặp nhiều khó khăn, một số địa phương chưa dành quỹ đất cho các trường. Nhiều trường được giao đất vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng nên công tác xây dựng, hoàn thiện theo kế hoạch còn chậm, ảnh hưởng tới công tác đào tạo.

– Thư viện của các trường nhỏ, số lượng đầu sách nghèo nàn. Một số trường không có thư viện phục vụ nhu cầu tra cứu tìm hiểu tài liệu của sinh viên và cán bộ giáo viên. Hầu hết các trường đều chưa có hệ thống thư viện điện tử. Theo thống kê có một số trường không có thư viện: Trường Cao đẳng nghề: có 05/24 trường; Trường Trung cấp nghề có 09/44 trường; Trung tâm dạy nghề có 34/62 trung tâm.

– Ngoài ra, một số trường không có phòng y tế như Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội, Trường CĐN Long Biên, Trường CĐN Cơ điện và Công nghệ thực phẩm Hà Nội, Trường CĐN Công nghệ và Kinh tế Hà Nội…Và một số trường không có phòng thí nghiệm, xưởng thực hành,…Dẫn tới không đảm bảo chất lượng dạy và học.

– Xưởng thực hành thực tập của học sinh chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo, mặt bằng nhà xưởng nhỏ, không đủ diện tích tiêu chuẩn lắp đặt thiết bị và bố trí đủ vị trí thực hành cho sinh viên; chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về thiết kế xây dựng như tiêu chuẩn chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, thông gió, tải trọng…. Số trường có diện tích thực hành đạt tiêu chuẩn 2,5 – 3m2/sinh viên chỉ chiếm 20%. Do đó các trường chủ yếu chia thành nhiều ca thực hành, hoặc phải đi thuê cơ sở vật chất nên rất khó khăn cho việc thực hành của sinh viên, thời gian thực hành của sinh viên ít làm hạn chế việc thực tập của sinh viên.

– Ký túc xá của các trường hiện mới đủ chỗ cho 15% sinh viên hệ chính quy tập trung, số trường đủ chỗ ở kí túc xá cho sinh viên chỉ đạt 4%. Nhiều trường không có diện tích dành cho các hoạt động văn hoá, thể thao.

Đặc biệt, phòng học và nhà xưởng của các trường ngoài công lập, trung tâm dạy nghề thuộc Hội đoàn thể, trung tâm dạy nghề tư thục hầu hết là thuê, mượn. Do vậy, phòng học và nhà xưởng nhìn chung chưa được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn nên chưa đảm bảo chất lượng dạy và học. Đối với các trường dạy nghề thuộc các bộ, ngành trung ương quản lý thì được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất nên phòng học, nhà xưởng đáp ứng quy định.

Số lượng giáo viên và Cán bộ quản lý (cán bộ quản lý) các cơ sở dạy còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Tổng số giáo viên trong các cơ sở dạy nghề trên địa bàn TP là 5.552 giáo viên trong đó có 1.727 giáo viên tham gia giảng dạy tại các trường cao đẳng nghề, 1.450 giáo viên tham gia giảng dạy tại các trường trung cấp nghề, 2.375 giáo viên giảng dạy tại trung tâm dạy nghề. Cơ bản đội ngũ giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với các chuyên ngành đào tạo trong các cơ sở dạy nghề.

Nhưng bên cạnh đó còn có một số nghề mới, nghề công nghệ cao thì đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, tay nghề và kiến thức chưa được cập nhật đáp ứng theo yêu cầu đề ra.

Đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề thuộc các cơ sở dạy nghề có trình độ tương đối cao, trong đó: trình độ trên đại học chiếm 4,2%, đại học- cao đẳng chiếm 83,1%, trung cấp chiếm 12,7 %. 100% đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề đảm bảo trình độ chuyên môn và nghiệp vụ quản lý theo quy định.

Như vậy, nhìn một cách tổng quan, đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn TP có trình độ tương đối đồng đều. Tuy nhiên, số cán bộ quản lý vừa kiêm nhiệm giảng dạy, đa số được đưa lên từ giáo viên nên chưa được bồi dưỡng các kiến thức về quản lý. Đặc biệt ở những cơ sở mới được nâng cấp lên trường Cao đẳng nghề, trường Trung cấp nghề, hầu hết đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý chưa có kinh nghiệm và năng lực còn hạn chế. Việc tuyển dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý mới cũng gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế cũng như biên chế quy định của nhà nước đối với mỗi cơ sở.

Giải pháp tăng cường quản lý hoạt động ĐTN cho LĐNT trên địa bàn TP Hà Nội 

Hoàn thiện mạng lưới dạy nghề, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất

Hoàn thiện xây dựng mạng lưới cơ sở dạy nghề cho LĐNT trên cơ sở xem xét, đánh giá lại các tổ chức đã tham gia vào công tác ĐTN cho LĐNT trong thời gian qua trên tất cả các mặt, từ hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học, các ngành nghề đang được dạy tại các cơ sở dạy nghề, nội dung, tài liệu và phương pháp giảng dạy cho LĐNT để biết được cái gì đã được, cái gì chưa được cần bổ sung và hoàn thiện.

Chuyển dần mạng lưới các cơ sở dạy nghề  chủ yếu tập trung ở các khu vực đô thịsang hình thức  dạy nghề tại trung tâm học tập cộng đồng.

Tài liệu học tập, tài liệu viết cho các lớp ĐTN cho LĐNT biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu dễ nhớ kèm theo các tranh, ảnh minh họa. Cần chú ý đến yếu tố nông dân trong quá trình phát triển tài liệu, để đảm bào sự phù hợp với nội dung đào tạo, văn hóa và nhu cầu của lao động nông thôn.

Chương trình ĐTN cho LĐNT phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế của vùng, của địa phương.  Xây dựng và hoàn thiện nội  dung, chương trình đào tạo nghề, gắn chặt đào tạo lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thực hành, gắn đào tạo nghề với rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang bị máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ cho giảng dạy, học tập, từng bước tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, sát hợp với yêu cầu thực tế sản xuất của thị trường lao động. Sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ giảng dạy. Các dụng cụ học tập phải được sử dụng và phát huy tối đa tính năng sẵn có của chúng. Học viên được tiếp cận, nhìn, và thực hiện qua sự hướng dẫn của giáo viên. Quá trình này được diễn ra nhiều lần đến khi người học về cơ bản có thể thuần thục được một kỹ năng nào đó.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ĐTN và cán bộ quản lý ĐTN cho LĐNT

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của cơ sở dạy nghề có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng và hiệu quả của đào tạo nghề vì thế rất cần có chiến lược phát triển và nâng cao năng lực của đội ngũ này.

Xây dựng và định kỳ rà soát quy hoạch cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề để có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực; bố trí cán bộ theo đúng tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và phù hợp với năng lực, sở trường, phát huy khả năng làm việc và tiềm năng sáng tạo của cán bộ. Xây dựng định mức làm việc đối với giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý.

Về bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý ĐTN hiện có bằng các giải pháp sau đây:

– Bồi dưỡng chuẩn hoá, bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng nâng cao cho đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý ĐTN.

– Xây dựng các chương trình bồi dưỡng và cải tiến nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho giáo viên dạy nghề. Cần sớm xây dựng và cải tiến các chương trình để kịp thời triển khai công tác bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý.

Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các học sinh có năng lực sau khi tốt nghiệp THPTđi học theo hướng trở thành giáo viên dạy nghề; có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá giỏi có ngành nghề đào tạo phù hợp vào làm việc tại các cơ sở doanh nghiệp của TP và bổ sung lực lượng giáo viên cho công tác dạy nghề.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động

Để có thể giải quyết việc làm cho người lao động cần xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan và các bên liên quan:

– Đối với Chính quyền, địa phương: Làm tốt công tác quy hoạch phát triển KT – XH cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo nghề theo từng năm, từng giai đoạn phát triển của địa phương. Việc xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo nghề phải xuất phát từ mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương gắn với nhu cầu học nghề của người dân địa phương. Đảm bảo công tác khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề của người dân được tiến hành một cách nghiêm túc, thực tế và có hiệu quả.

Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề nhằm thu hút mọi nguồn lực cho các hoạt động dạy nghề, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm.

– Đối với người lao động: Cần có nhận thức đúng về đào tạo nghề, thay đổi quan điểm kén chọn nghề, “học Đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp” chủ động lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của bản thân. Đảm bảo sau khi kết thúc khóa học, những kiến thức thu nhận được sẽ được vận dụng có hiệu quả vào công việc thực tế đang làm hoặc có cơ hội tìm kiến việc làm.

– Đối với cơ sở dạy nghề: Cần nghiên cứu, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động nói chung và thị trường lao động trên địa bàn huyện nói riêng. Trên cơ sở đó lập kế hoạch đào tạo, xây dựng chương trình, nội dung cụ thể cho từng ngành nghề đào tạo phù hợp với địa phương để đảm bảo kết quả đào tạo thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt chú trọng đến đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách.

– Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh: Cần xác định rõ kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị trong từng giai đoạn. Từ đó xác định nhu cầu lao động cần sử dụng. Kết quả của việc xác định này sẽ đảm bảo doanh nghiệp có được nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nghiên cứu và áp dụng hình thức trả lương và các chế độ chính sách cho người lao động một cách xứng đáng, đảm bảo trả lương theo số lượng và chất lượng công việc hoàn thành để người lao động thấy được sự cần thiết và chủ động tham gia vào quá trình đào tạo nghề.

Qua 3 năm triển khai và tổ chức thực hiện Đề án ĐTN cho LĐNT trên địa bàn thành phố Hà Nội, công tác ĐTN của Thành phố đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ LĐNT đã qua đào tạo được nâng lên, trình độ tay nghề của LĐNT đã được cải thiện, nguồn nhân lực trong huyện từng bước đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn sản xuất và đời sống./.

anhsangvacuocsong

Bài viết liên quan