22 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Giảm điện trong nuôi tôm để tăng cạnh tranh

Print Friendly, PDF & Email

Sau hơn 20 năm phát triển, nghề nuôi tôm Việt Nam thuộc nhóm tiên tiến trên thế giới, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào nuôi dưới tán rừng, quảng canh, bán thâm canh, thâm canh đến siêu thâm canh. Mặc dù vậy, giá thành nuôi tôm nước ta vẫn cao so với các cường quốc tôm như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và bài toán hạ giá thành để cạnh tranh tốt hơn luôn cần nhiều lời giải. Tổ chức WWF -Việt Nam nghiên cứu giảm lượng điện tiêu thụ cho kết quả tốt đã được ứng dụng nhiều nơi.

Những khâu tiêu thụ nhiều điện trong nuôi tôm

Trong nuôi tôm, điện được sử dụng cho hệ thống sục khí, bơm nước, bơm xi phong, chiếu sáng và chi phí này chiếm 9-15% trong chi phí nuôi tôm thâm canh. Qua nghiên cứu cho biết, tiềm năng tiết kiệm điện khá lớn, có thể đến 57% lượng điện theo cách vẫn dùng trước nay.
Trước tiên là giảm lượng điện dùng cho hệ thống sục khí, chủ yếu ở việc chạy các giàn quạt nước. Hệ thống sục khí chiếm 95% lượng điện tiêu thụ của trại nuôi tôm. Nghiên cứu của WWW-Việt Nam tập trung vào việc thay thế con lăn cho gối đỡ chữ U ở các giàn quạt. Bố trí thí nghiệm: tổ chức nuôi tôm ở ao thí nghiệm và ao đối chứng. Mỗi ao rộng 3.000 m2, sâu 1,3 m, có 2 giàn quạt 10 cánh với tủ điện có đồng hồ đo điện. Ao thí nghiệm dùng con lăn, còn ao đối chứng dùng gối đỡ chữ U theo cách nông dân đang hay dùng.

Con lăn thay cho gối đỡ chữ U trong giàn quạt nước

Kết quả sau 50 ngày nuôi tôm, ao dùng con lăn tiết kiệm được 17% lượng điện tiêu thụ so với ao đối chứng dùng gối đỡ chữ U. Trong nuôi tôm, chi phí điện chiếm 8%, cũng có nghĩa việc dùng con lăn đã giảm được 1,36% -2,25% chi phí nuôi tôm.
Thứ hai là giảm chi phí tiêu thụ điện thông qua việc vận hành hệ thống sục khí dựa vào lượng ô xy hòa tan trong ao nuôi. Trong nuôi tôm, phải cung cấp lượng ô xy hòa tan trong nước đủ cho con tôm khỏe mạnh để lớn lên và hệ thống sục khí làm nhiệm vụ này. Trước nay, việc chạy hệ thống sục khí thường theo kinh nghiệm của người nuôi, chạy theo giờ và theo thời tiết. Thí nghiệm này đặt vấn đề chỉ chạy hệ thống sục khí khi lượng ô xy hòa tan trong nước thấp, để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng.

Nông dân nuôi tôm phấn khởi khi chi phí giảm, hiệu quả tăng

Cũng với hai ao, lắp đặt máy đo năng lượng điện tiêu thụ tại tất cả các thiết bị trong ao đối chứng và ao thí nghiệm. Ao đối chứng chạy máy sục khí theo kinh nghiệm, có máy đo DO dữ liệu được ghi lại liên tục và ghi vào bộ nhớ 10 phút/lần. Còn ao thí nghiệm: khi độ ô xy hòa tan <5mg/lít mới chạy dàn máy sục khí, còn nếu độ ô xy hòa tan >=7.5 mg/lít thì tắt dàn máy sục khí. Có máy do DO dữ liệu được ghi lại liên tục và ghi vào bộ nhớ 10 phút/lần. (Hệ thống tủ điện cho phép điều chỉnh dàn máy chạy theo chế độ tự động hoặc bật/tắt bằng tay).
Kết quả, trong 39 ngày nuôi tôm đảm bảo duy trì độ ô xy hòa tan trung bình 6,05-6,09 mg/lít, ao đối chứng tiêu thụ lượng điện 1.511,8 kWh còn ao thí nghiệm tiêu thụ 1.397,6 kWh. Tính ra vận hành hệ thống sục khí dựa vào lượng ô xy hòa tan trong ao nuôi giảm được 7,56% lượng điện tiêu thụ so với việc vận hành theo kinh nghiệm.
Cùng với hai giải pháp trên còn áp dụng các giải pháp bổ trợ khác như lựa chọn dây dẫn phù hợp với thiết bị sử dụng. Ví dụ có 10 motor 2.200 kwh, điện 1 pha 220v, tiết diện dây nhôm cần đầu tư là 35 mm2. Tổng hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện có thể giảm được 3-4% chi phí nuôi tôm. Kết quả này đã được nhiều nơi ở ĐBSCL áp dụng.

THANH HẢI

Bài viết liên quan