24 C
Hanoi
Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

Giải pháp cho các doanh nghiệp chiếu sáng Việt Nam thích ứng, tiếp nhận cách mạng công nghiệp 4.0

Print Friendly, PDF & Email

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với xu hướng phát triển dựa trên hệ thống kết nối số hóa – vật lý – công nghệ sinh học, trong đó sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh đó, DN chiếu sáng đang đứng ở đâu? Điều gì đang diễn ra và các doanh nghiệp chiếu sáng (DNCS) sẽ phải làm gì để giảm thiểu những tác động tiêu cực, tận dụng tốt nhất cơ hội? Đây là những vấn đề nóng bỏng đặt ra đối với DNCS.

Khóa đào tạo về công nghệ LED cho chiếu sáng chung được tổ chức tại Hà Nội, phố Hồ Chí Minh, tháng 5/2016.tháng 3/2016 và TPHCM.

Cơ hội, thuận lợi
Thứ nhất, việc đi sau và thừa hưởng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp Việt Nam tiết kiệm được thời gian nghiên cứu để phát huy tối đa các tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Cách mạng 4.0 sẽ giúp cho DNCS giảm được chi phí hoạt động và quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, đặc biệt là thông qua những việc cải tiến quy trình, cải tiến sản phẩm dịch vụ và nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có cơ hội kết nối và tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong khu vực và toàn cầu, có cơ hội tiếp cận các thị trường mới, doanh nghiệp bạn hàng mới để từ đó sáng tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới
Thứ hai, với các ưu điểm như dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet cao, mức độ tiếp cận và ứng dụng công nghệ tốt, nền kinh tế Việt Nam hiện tại đang tạo ra những cơ hội to lớn cho các DNCS trong việc xây dựng Dữ liệu lớn. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những công nghệ quan trọng là Dữ liệu lớn (Big Data). Đây được xem là yếu tố cốt lõi để sử dụng và phát triển vạn vật Internet (Internet of Things) và trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu từ phía cung, cơ sở dữ liệu từ phía cầu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong việc chuyên môn hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.
Thứ ba, sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ đối với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Việc xây dựng và phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Để đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm này, Chính phủ đã xây dựng các giải pháp đồng bộ từ việc tập trung đầu tư hiện đại hóa đồng bộ, kết nối liên thông Hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thông tin và hạ tầng tri thức cho đến việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực công nghệ số trình độ cao đến năm 2020.

Khóa đào tạo về công nghệ LED cho chiếu sáng chung được tổ chức tại Hà Nội, phố Hồ Chí Minh, tháng 5/2016.tháng 3/2016 và TPHCM.

Khó khăn, rào cản
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản, đặc biệt là khả năng hấp thụ công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ nhất, năng lực công nghệ của DNCS Việt nam còn hạn chế. Tại Việt Nam, Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ có nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp chiếu sáng với quy mô và tổ chức đa phần nhỏ lẻ như hiện nay. Nếu không chủ động tiếp cận và nắm bắt công nghệ mới, Việt Nam còn có thể trở thành nạn nhân của cuộc cách mạng này, mà nguy cơ lớn nhất đến từ sự thải loại công nghệ cũ từ các quốc gia phát triển.
Thứ hai, Đối với DNCS bước sang xuất đèn LED, để làm chủ công nghệ chiếu sáng LED, cạnh tranh, dẫn dắt được thị trường, buộc các DN chiếu sáng phải thay đổi hàng loạt hệ thống dây chuyền hiện đại, hệ thống trang thiết bị kiểm soát chất lượng bài bản, hệ thống phần mềm quản trị hiện đại, mô hình kinh doanh phù hợp với kinh tế số hóa,…Đây là những khó khăn mà DNCS phải đối mặt.
Cùng với những khó khăn trên, rào cản lớn nhất để bắt kịp công nghiệp 4.0 chính là tri thức, trình độ đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao và khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi ngày càng nhanh của thị trường. Cũng như các DNCS, không những phải cạnh tranh với nhau trong ngành, mà còn phải cạnh tranh trực tiếp với các DN tầm cỡ quốc tế. Điều này đòi hỏi DNCS phải thực sự thay đổi
Thứ ba,Trong lĩnh vực sản xuất chiếu sáng Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến tự động hóa toàn bộ (tức ở mức độ giữa của công nghệ 2.0-3.0). Những nhà máy sản xuất có mức độ tự động hóa cao thường nằm ở các thương hiệu lớn hoặc có đầu tư từ nước ngoài. Trong khi đó, sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, xu hướng tùy biến cá nhân trong việc tạo ra sản phẩm đang ngày một gia tăng, kiểu nhà máy thông minh ra đời, nhằm đáp ứng thời kỳ “cá thể hóa theo số đông” hay “tùy biến theo khách hàng”. Các nhà máy truyền thống không thể thực hiện được điều đó, ngay cả những dây chuyền có mức độ tự động hóa cao cũng chỉ có thể cho ra đời từng lô hàng theo kế hoạch đã định sẵn. Đây chính là thách thức rất lớn đối với đại bộ phận các DN, trong đó có DNCS nếu muốn đón đầu làn sóng 4.0.
Thứ tư, Ứng dụng công nghệ 4.0- Nhiều DNCS vẫn chưa sẵn sàng, mặc dù ngành công nghiệp chiếu sáng đã có một số doanh nghiệp tiên phong như Rạng Đông, Điện Quang đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của công nghệ, nhưng vẫn có tới 80% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu.

Dây chuyền dán chip LED Panasonic – Nhật Bản do Cty CP bóng đèn Điện Quang đầu tư.

Giải pháp cho DNCS Việt Nam
Để thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài năng lực phát triển, sáng tạo khoa học, công nghệ thì năng lực hấp thụ và hiện thực hóa các thành quả khoa học, công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Nền kinh tế Việt Nam đa phần các DNCS là vừa và nhỏ, với nhiều hạn chế về tài chính và công nghệ, để nắm bắt và tận dụng các thành quả của các mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi có sự chung tay của cả nhà nước và công đồng doanh nghiệp.
Về phía nhà nước
Cần hoàn thiện pháp luật trong xu thế xã hội biến đổi; đi đầu trong ứng dụng KH&CN trong quản lý, vận hành dịch vụ công; tái cấu trúc giáo dục – đào tạo, các ngành kinh tế; thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Nhanh chóng hiện thực hóa chính sách phát triển công nghiệp 4.0 bằng các hành lang pháp lý, chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ cho phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống. Bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách và tài chính cho phát triển khoa học công nghệ, cũng cần phải hoàn thiện, đổi mới khung thể chế để tiếp nhận và điều chỉnh các hình thức kinh doanh mới mà cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 mang lại.

Dây chuyền sản xuất đèn LED SM tại Cty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông

Về phía doanh nghiệp
Mỗi doanh nghiệp cần xác định được hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình, từ đó tận dụng và phát huy tối đa sức mạnh để có thể tham gia vào chuỗi giá trị đang ngày càng được mở rộng nhờ vào thành quả của cách mạnh công nghiệp 4.0. Doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ cần tập trung vào phát triển, sáng tạo công nghệ mới. Doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ cần tận dụng thành quả công nghệ để chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, chất lượng dịch vụ sản phẩm để có thể nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Mỗi doanh nghiệp cần phải xác định được vị trí của mình, xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các đối tác trong chuỗi sản phẩm để chủ động hơn trong đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp cần phải đặt sản phẩm, dịch vụ của mình trong bối cảnh của thị trường khu vực và thế giới, chuẩn bị sẵn tâm thế tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để nắm bắt cơ hội phát triển của DN thành DN công nghệ cao, trước tiên và cấp thiết phải có cách tiếp cận đa chiều về khoa học và công nghệ. Đầu tư chọn lọc và tới ngưỡng một số lĩnh vực then chốt đạt trình độ công nghệ tiên tiến; Có những giải pháp cụ thể đột phá phù hợp với xu hướng phát triển của các công ty hiện đại có tiềm lực, như mua lại hoặc hợp tác với một số công ty khới nghiệp, công ty nhỏ để bù vào khoảng trống còn thiếu hoặc đang yếu của DN; Đào tạo và tạo môi trường thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao; Coi trọng và đẩy mạnh hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ, khuyến khích phát huy đăng ký phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, coi đây là những tài sản vô hình của DN
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các DNCS bắt buộc phải hướng tới, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý, mà ngay cả công nghệ sinh học cũng phải được quan tâm. Khi kết hợp nhiều công nghệ mới, sản phẩm mang tính độc đáo đột phá, thì nó có sức hấp dẫn người tiêu dùng.
Trong thời kỳ CM4.0, tri thức là yếu tố quyết định, để sản xuất ra những chiếc đèn LED có chất lượng DN phải đầu tư bài bản từ khâu nghiên cứu thiết kế, đầu tư hệ thống đánh giá độ tin cây sản phẩm, đầu tư những dây chuyền hiện đại.
DN cần xây dựng các giải pháp chiếu sáng thông minh, sử dụng các giải pháp chiếu sáng xanh. Cần sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm có kích thước nhỏ hơn, lượng vật chất sử dụng ít hơn những hiệu suất và tuổi thọ cao hơn.
Để có được các ản phẩm chiếu sáng có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, DN cần hợp tác với các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước để nghiên cứu, ứng dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất thiết bị chiếu sáng phải phù hợp với xu thế thế giới về sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ và thân thiện với môi trường
Bài học kinh nghiệm của Rạng Đông, từ “ Bờ vực phá sản trở thành hiện tượng” để thích ứng và thu nhận CMCN 4.0 đã xác định : Năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của DN là tổng thể của nhiều yếu tố, song động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của Công ty “phải được hình thành từ các yếu tố là tri thức khoa học công nghệ, tri thức quản trị hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao”. Với ba nhóm giải pháp : Giải pháp nâng cao trình độ khoa học công nghệ; Giải pháp nâng cao trình độ quản trị DN; Nhóm phát huy nhân tố con người. Đây là những giải pháp đã được minh chứng từ Rạng Đông, cần học tập và phát huy.

PGS. TS. Ngô Trí Long
Chuyên gia kinh tế

anhsangvacuocsong

 

Bài viết liên quan