23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé: Thủ tướng chỉ đạo “nghiên cứu, triển khai thực hiện”

Print Friendly, PDF & Email

Ngày 24/11/2018, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Bộ NN&PTNT tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé đảm bảo chặt chẽ, khoa học, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. Đây là chỉ đạo sau khi Bộ NN&PTNT có báo cáo về Dự án.

Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Dự án kiểm soát nguồn nước
Theo báo cáo, Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn I có hạng mục chính là xây cống trên hai con sông đổ ra biển Tây lớn nhất ĐBSCL tại tỉnh Kiên Giang, vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng. Mục tiêu, kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 346.241ha. Giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho đất lúa vùng U Minh thượng và Tây sông Hậu, đất tôm- lúa cùng chuyên tôm ở huyện An Minh và An Biên của tỉnh Kiên Giang.
Đặc điểm vùng này mặn ngọt không ổn định. Vùng có nguồn nước mặn-lợ thường xuyên (chủ yếu ven biển, ven sông Cái Lớn) sản xuất chính là nuôi tôm, cần độ mặn dưới 25%o. Trong khi đó, độ mặn vùng này vào mùa khô có những thời điểm lên đến 35-40%o, không phù hợp với nuôi tôm. Nhiều nơi phải hút nước ngầm bổ sung nguồn ngọt, làm cho đất lún sụt mạnh. Việc xây dựng cống Cái Lớn-Cái Bé sẽ điều tiết nguồn nước trong vùng phục vụ sản xuất (kiểm soát mặn, hỗ trợ tạo nguồn nước ngọt đầu mùa khô và những năm ít mưa trong mùa mưa).
Cụ thể, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé tăng cường giữ ngọt trong mùa mưa cho diện tích tôm-lúa vùng An Minh, An Biên với những năm mưa ít. Trữ nước vào mùa mưa để phục vụ tiêu chua, rửa phèn, cải tạo đất và phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô, giảm quy mô và diện tích khai thác nước ngầm. Tạo nguồn cấp nước bổ sung để duy trì hệ sinh thái của rừng, phòng và chống cháy rừng trong mùa khô. Bên cạnh, phòng chống thiên tai: tăng cường tiêu thoát và giảm ngập úng cho vùng hưởng lợi của dự án; giảm khối lượng đắp đập tạm hàng năm của tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé còn tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua và cải tạo đất trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún đất. Vấn đề lớn nhất của vùng dự án là địa hình thấp, nước biển dâng và sụt lún đất. Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé cùng hệ thống đê, cống vận hành hợp lý sẽ hình thành tuyến đê bao lớn khu vực ven biển Tây (An Minh, An Biên) và dọc theo sống Cái Lớn đến Gò Quao, tạo cụm công trình phòng chống thiên tai, nước dâng do bão, giảm ngập úng. Vận hành cống hợp lý sẽ cắt triều cường trong trường hợp mưa lũ lớn và mở cửa để đẩy nhanh tiêu thoát khi triều cường xuống.

Hình phối cảnh cống Cái Lớn

Giải trình ý kiến phản đối
Báo cáo cho biết, Bộ NN&PTNT đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học trong và ngoài ngành thủy lợi. Chủ đầu tư cũng ký hợp động với Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL của Trường Đại học Cần Thơ thực hiện phản biện xã hội về việc đầu tư xây dựng dự án. “Đa số các ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, địa phương và Hội Khoa học Kỹ thuật Thủy lợi TPHCM đồng thuận với việc xây dựng dự án và đề nghị Bộ NN&PTNT sớm triển khai thực hiện, tuy nhiên cũng còn một số ý kiến băn khoăn về tác động của dự án và đề nghị chưa triển khai thực hiện”, báo cáo viết.
Về ý kiến: “Dự án chưa thực hiện theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ”, thậm chí “đi ngược lại” và “Dự án có nhiệm vụ ngọt hóa, phục vụ sản xuất lúa ở vùng Bán đảo Cà Mau”. Báo cáo của Bộ NN&PTNT giải trình: Giải pháp thủy lợi chỉ nhằm kiểm soát nguồn nước đề hỗ trợ cho các mô hình sản xuất, với vùng kinh tế nước ngọt thì ngăn xâm nhập mặn lúc triều cường, hỗ trợ chuyển nước ngọt ở những năm mực nước sông Hậu thấp; với vùng sản xuất dựa vào nước mặn-lợ, giải pháp thủy lợi đảm bảo độ mặn không thay đổi quá mức, bất lợi cho sản xuât nông nghiệp; còn với vùng có sản xuât nông nghiệp dựa vào nguồn nước ngọt-lợ luân phiên, giải pháp thủy lợi đảm bảo ôn định nguồn nước cho mô hình canh tác này. “Dự án không có mục tiêu ngọt hóa ở vùng thường xuyên có nước mặn, lợ”, báo cáo khẳng định.
Về ý kiến “Dự án Ba Lai là dẫn chứng không thành công khi làm ngọt hóa”. Báo cáo giải trình, dự án Ba Lai chưa hoàn thành nên thời gian qua vẫn có thiệt hại lớn. Tuy nhiên, hiện dự án đã được Chính phủ Nhật Bản cho vay vốn để hoàn thành vào năm 2023. Khi hoàn thành, dự án sẽ kiểm soát mặn và tiêu nước cho 204.270 ha diện tích đất tự nhiên thuộc 9 huyện/thành phố của tỉnh Bến Tre. Chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản cho khoảng 110.442 ha theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho 207.275 hộ dân.

GS.TSKH-Anh hùng Lao động Nguyễn Ân Niên cho rằng: “Mọi tác động của con người vào tự nhiên đề mưu cầu lợi ích đều có mặt tốt và mặt xấu, chúng ta lựa chọn dự án nào mặt tốt lớn gấp nhiều lần mặt xấu và Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn I là sự lựa chọn như vậy, nên sớm triển khai”.
Các GS Đào Xuân Học, Nguyễn Tất Đắc (chuyên gia hàng đầu về thủy lợi) và PGS Lê Việt Dũng (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ) đều ủng hộ việc làm cống Cái Lớn-Cái Bé để hỗ trợ người dân chủ động sống chung với lũ, ngập, nước mặn, nước lợ, đưa sản xuất nông nghiệp đi lên hiện đại, thoát lối tự cung tự cấp lạc hậu. Lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu đã nhiều lần có văn bản kiến nghị sớm thực hiện dự án và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh thêm: “Dự án hết sức cần thiết với Kiên Giang và các tỉnh lân cận, đáp ứng yêu cầu cuộc sống, mang lại giá trị tích cực.

Về ý kiến: “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn I làm xong có khép kín không?”. Báo cáo giải trình, dự án nằm trong tổng thể toàn vùng, trong đó tuyến đê ven Biển Tây và các cống trên tuyến đê đã cơ bản hoàn thành (hiện còn l6 cống vùng An Minh, An Biên đang được tỉnh Kiên Giang chuẩn bị đầu tư), các cống trên tuyến đê ven Biển Tây sử dụng vốn vay của WB và nguồn vốn khác đã được thực hiện. Khi cống Cái Lớn-Cái Bé được xây dựng sẽ khép kín toàn vùng đê Biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang, đảm bảo việc kiểm soát nguồn nước, hỗ trợ ổn định sản xuất trước tác động cực đoan từ Biển Tây. Còn tác động từ Biển Đông vào vùng dự án cơ bản đã được kiểm soát bởi các cống của hệ thống Quản Lộ-Phụng Hiệp.

Chiều 3/11, tại Hà Nội, Hội đồng Thẩm định Báo cáo Đánh giá tác động môi trường Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé của Bộ TN&MT đã họp, ngoài 21 thành viên còn có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng và khách mời là GS Nguyễn Ngọc Trân. Sau khi chỉ ra một số nội dung cần chỉnh sửa cho hoàn thiện, Hội đồng bỏ phiếu nhất trí 100% thông qua Báo cáo Đánh giá tác động môi trường.

Về ý kiến: “Nguy cơ tác động môi trường của dự án”. Báo cáo giải trình, kết quả tính toán của GS.TS Tăng Đức Thắng và GS.TS Nguyễn Tất Đắc cho thấy, khi xây dựng công trình trên sông Cái Lớn, Cái Bé, có tác động đến môi trường vùng dự án, nhưng tác động này không lớn, có thể khắc phục bằng quy trình vận hành hệ thống. Thời gian trung bình để kiểm soát mặn của cống là 24 ngày/năm (chia làm nhiều đợt, bình quân 6 ngày/tháng cho 4 tháng mùa kiệt); đối với năm nhiều nước, thời gian vận hành có thể ít hơn và ngược lại. Trong tương lại, khi nước biển dâng, đất sụt lún thì thời gian đóng cửa cống sẽ nhiều hơn là xu thế chung của tất cả các công trình. “Như vậy, có thể thấy các tác động môi trường của dự án đều có thể chủ động kiểm soát được”, báo cáo viết.
Kết luận
Báo cáo của Bộ NN&PTNT “trân trọng ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, những góp ý chân tình và đầy trách nhiệm, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan Bộ nghiêm túc lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp khắc phục tốt nhất những tồn tại, hạn chế”. Báo cáo nhấn mạnh đây là công trình có quy mô lớn, xây dựng ở vùng đất có điều kiện tự nhiên phức tạp, chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, phát triển của vùng và thượng nguồn nên “đang tập trung chỉ đạo đồng bộ, để làm rõ, tạo đồng thuận và sớm triển khai xây dựng vào năm 2019”.

NGỌC HUYỀN

Bài viết liên quan