23 C
Hanoi
Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

ĐẦU TƯ CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG BẰNG ĐÈN LED: Cơ chế và giải pháp tài chính

Print Friendly, PDF & Email

Climate Group, một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại nước Anh đã thúc đẩy chiến dịch sử dụng đèn LED trên toàn cầu. Chiến dịch này, kêu gọi các thành phố trên toàn thế giới chuyển sang sử dụng đèn LED trên các đường phố đến năm 2025. Tổ chức Climate Group cho rằng các rào cản công nghệ đối với việc triển khai hệ thống đèn LED đã được khắc phục. Tổ chức này cũng khuyến nghị các đô thị cần hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức tài chính nếu như có dự định thực hiện việc chuyển đổi sử dụng đèn LED. Do cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính và hoạt động chính trị tại các thành phố khác nhau, nên mỗi thành phố cần phát triển kế hoạch chuyển đổi sử dụng đèn LED tùy theo điều kiện của từng thành phố.

chieu-sangSử dụng đèn LED, xu hướng tất yếu
Như vậy có thể thấy việc sử dụng đèn LED trong chiếu sáng sáng công cộng (CSCC) là một xu hướng tất yếu mà Việt Nam cần nghiên cứu, triển khai nghiêm túc bằng việc đưa ra các chủ trương, cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của các đô thị ở Việt Nam. Hiện nay, một số đô thị ở Việt Nam trong đó dẫn đầu là thành phố Hà Nội đang triển khai các dự án cải tạo, xây mới, dần thay thế các loại đèn truyền thống… Tuy nhiên, các đô thị sẽ phải mất hàng chục năm để có thể đạt tới lợi ích mà công nghệ LED đem lại là giảm 50 – 60% điện năng tiêu thụ trong CSCC. Tiềm năng trong thị trường CSCC là rất lớn do công nghệ đèn LED dùng cho CSCC ở thời điểm này chỉ chiếm khoảng 5%. Sử dụng đèn LED cho CSCC sẽ tiết kiệm được điện năng tiêu thụ, giảm bớt gánh nặng về ngân sách Nhà nước, ngành điện bớt được nỗi lo thiếu điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Việt Nam đang tích cực triển khai các dự án thay đèn LED bằng cách kêu gọi đầu tư xã hội hóa theo mô hình ESCO, đó là việc các công ty đầu tư thay thế hệ thống CSCC bằng LED sẽ đề xuất các giải pháp kỹ thuật, cam kết hiệu quả tiết kiệm năng lượng với chính quyền. Nhà đầu tư sẽ thu hồi vốn và lợi nhuận dựa trên việc sẽ chia sẻ khoản lợi nhuận từ việc tiết kiệm điện mà dự án mang lại trong khoảng thời gian nhất định với chính quyền. Có thể nói, đây là một giải pháp tốt để các đô thị ở Việt Nam có thể tiếp cận được với hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng với đèn LED. Gần đây, các Nhà đầu tư đã mạnh dạn đưa ra các đề án để thực hiện việc này và đã được chính quyền của rất nhiều đô thị đồng tình, ủng hộ về mặt chủ trương. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện các công việc cụ thể của dự án thì gặp phải rất nhiều khó khăn vướng mắc, mà chủ yếu là các lý do sau.

Vướng mắc trong triển khai
Chưa có cơ chế chính sách cụ thể cho công việc này để hướng dẫn cho các cơ quan ban ngành ở địa phương cũng như các Nhà đầu tư thực hiện;Các Nhà đầu tư đưa ra bài toán tài chính chủ yếu dựa trên các con số lý thuyết (với hiệu quả tính toán thường cao hơn thực tế) mà không tính toán thực tế việc vận hành hệ thống chiếu sáng ở các địa phương khác nhau; Giá đèn LED đề cập trong các dự án còn cao dẫn đến việc tổng mức đầu tư của dự án lớn; Giá điện cho CSCC thực tế ở Việt Nam còn thấp nên chi phí tiết kiệm hàng năm không nhiều so với tổng mức đầu tư của dự án; Thời gian thu hồi vốn dài.
Ngoài ra, tùy đặc thù từng địa phương Nhà đầu tư còn gặp phải nhiều vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện. Do vậy, đến thời điểm hiện nay cũng chưa có dự án ESCO nào cho chiếu sáng công cộng được triển khai thành công ở Việt Nam.
Với thành phố Hà Nội, cũng đã có rất nhiều Nhà đầu tư đặt vấn đề để nghiên cứu, lập dự án ESCO cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng của Thành phố và được chính quyền thành phố hết sức hoan nghênh, tạo điều kiện. Tuy nhiên, đến nay các phương án mà Nhà đầu tư đưa ra cũng chưa được chấp thuận. Ngoài các lý do nêu trên, một số dự án đang triển khai ở Hà Nội các Nhà đầu tư đưa ra các phương án thu hồi vốn chưa đúng với bản chất của dự án ESCO như: Thu hồi vốn trong khoảng thời gian ngắn (3 năm) – thực chất đây là hình thức trả chậm; Thu hồi vốn bằng quỹ đất của Thành phố,  thực chất đây là hình thức BT đổi dự án lấy hạ tầng hoặc cũng có Nhà đầu tư đề xuất thời gian thu hồi vốn kéo dài hơn 20 năm rất khó để thực hiện.

Giải pháp Hapulico
Thời gian vừa qua, Công ty Chiếu sáng và thiết bị đô thị (HAPULICO) với trách nhiệm là đơn vị chuyên ngành cung cấp dịch vụ công ích quản lý chiếu sáng của Thành phố Hà nội trong suốt 35 năm qua đang đề xuất đề án thay đèn mà trong đó đặt mục tiêu chính trị của Thành phố lên trên mục tiêu lợi nhuận. Điểm đặc biệt của đề án này là Công ty xin phép được đưa ra giải pháp đầu tư thu hồi vốn bằng tiền điện tiết kiệm được thực tế sau từng năm trên cơ sở đối chiếu số liệu (hóa đơn tiền điện hàng năm) có sự phê duyệt của các Sở ban ngành của Thành phố Hà Nội. Quá trình thực hiện đề án sẽ là căn cứ thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế huy động các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn nước ngoài cho phát triển chiếu sáng đô thị. Cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính liên quan đến ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, giá cả nhằm khuyến khích các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài phối hợp với đơn vị quản lý vận hành của Thành phố tham gia đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị, chiếu sáng ngõ xóm trên địa bàn Thành phố.
Để các dự án ESCO có thể triển khai thực hiện hiệu quả ở các đô thị của Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để tạo điều kiện, cơ sở pháp lý cho chính quyền các đô thị và đặc biệt là hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần phải có cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án; Giai đoạn đầu cần thực hiện thí điểm và có các báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai dự án tổng thể có quy mô lớn; Lựa chọn hoặc chuẩn hóa chủng loại đèn LED để thuận tiện trong quá trình lắp đặt cũng như quá trình vận hành và bảo dưỡng sau này (nên lựạ chọn các loại đèn LED dạng Modul). Đèn LED được lựa chọn phải đảm bảo kỹ thuật, đầy đủ các tính năng và các điều kiện an toàn trong quá trình sử dụng; Các nhà đầu tư khi thực hiện dự án ở các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý vận hành tại địa phương đó để đưa ra các số liệu, đề xuất kỹ thuật, tài chính hợp lý và hiệu quả cho dự án.

KS Lê Mạnh Phương
(Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và TBĐT)

anhsangvacuocsong

Bài viết liên quan