22 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Đầu năm xông nhà “Thuyền trưởng” Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Khởi sắc từ những thách thức

Print Friendly, PDF & Email
Bộ trưởng - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
Bộ trưởng – Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

LTS: Năm 2017, ngành Nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn, song cũng là một năm đầy vẻ vang với những đột phá đầy hứa hẹn, hầu hết các chỉ tiêu ngành đều hoàn thành với 7 chỉ tiêu xuất sắc. Tính đến hết tháng 12/2017, ngành đã ổn định cơ bản những tồn tại từ 2016 về sụt giảm giá tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực (lợn, tôm, cá ba sa…), nông dân yên tâm quay lại sản xuất…; năm đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, “nông nghiệp công nghệ cao” hay “cách mạng 4.0” trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn, hầu hết các mặt báo… Đây cũng là một năm đất nước hứng chịu những biến động khôn lường của thiên tai, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngành. Nhân dịp năm mới 2018, giữa không khí rộn ràng, chờ đón xuân về – đón khởi sắc mới của dân tộc, dù rất bận rộn công việc, nhưng Bộ trưởng – Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã dành thời gian chia sẻ với Ánh sáng Cuộc sống về công việc của ngành .Chúng tôi xin trân trọng gửi tới bạn đọc những tâm sự – chia sẻ tâm huyết của vị “Bộ trưởng- Thuyền trưởng ngành Nông nghiệp Việt Nam”.
Phóng viên (PV)! Xin cám ơn Bộ trưởng đã dành thời gian chia sẻ với độc giả của Tạp chí Ánh sáng & Cuộc sống, đón chào xuân Mậu tuất bạn đọc trong và ngoài nước mong muốn được Bộ trưởng chia sẻ một nét nổi bật của Ngành Nông nghiệp Việt Nam trong năm qua?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm qua, ngành NN&PTNT đã hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ đề ra. Cụ thể ở một số chỉ tiêu nỏi bật: Thứ nhất  về xuất khẩu, chúng ta đã có đến 10 sản phẩm nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD  tạo nên trục sản phẩm chủ lực ở cấp quốc gia. Chúng ta xuất khẩu nông sản đi được 180 nước trên thế giới, thực hiện 2017 đạt 36,37 tỷ USD là minh chứng sống cho tính thích ứng cao với thị trường hơn 7 tỷ dân trong hội nhập; đây cũng là cơ sở giúp nông nghiệp Việt Nam tự tin xây dựng sản phẩm thế mạnh, ngành hàng chủ lực giúp gia tăng cạnh tranh trong và ngoài nước.
Thứ hai là Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới (XD NTM) với 2.884 xã (tương đương 32,3%) được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 305 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2016 – 2020 (vượt mục tiêu kế hoạch năm 2017: có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng 524 xã (5,87%) so với năm 2016; bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh/thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 13 huyện so với
năm 2016.
Bên cạnh đó, năm 2017 cũng là năm đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp (DN) đầu tư vào ngành, đã có 1.955 DN thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016, đưa tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lên 5.700. Đặc biệt nhiều DN, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp  công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính, đạt được những thành công rõ rệt.  Nhờ vậy, chất lượng tăng trưởng của Ngành ngày càng được cải thiện. Cũng phải khẳng định thêm, những thành tựu chúng ta đạt được trong năm qua được thực hiện giữa bối cảnh cả nước nói chung, ngành Nông nghiệp nói riêng phải đối đầu với những thách thức nặng nề, chỉ tính riêng thiệt hại do thiên tai trong năm chúng ta phải gánh chịu ước khoảng 60.000 tỷ đồng .
Vượt qua được và đạt kết quả đó, trước hết là nhờ kết quả của đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm, tháo gỡ cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, khai thông thị trường, đầu tư hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cao…Sau nữa là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là trong phòng chống thiên tai, chung sức giúp người nông dân trong chăn nuôi, nhất là khi giá cả bất lợi,…và nỗ lực, hành động quyết liệt, sát thực tiễn trong thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng NTM.
Thoi su 02PV: Như vậy có thể tin tưởng rằng, những thành tựu đạt được của năm qua sẽ tạo đà thuận lợi lớn phát triển cho Nông nghiệp & PTNT Việt Nam cho năm 2018 và các năm tiếp theo. Vậy nội dung trọng tâm trong kế hoạch năm 2018 và định hướng đến năm 2020 của Ngành là gì, Thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Bước sang năm mới, năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020) của cả nước và của ngành. Theo dự báo, năm 2018 là năm chúng ta tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn (có thể còn lớn hơn 2017 – Bộ trưởng) của hội nhập, của biến động nền kinh tế thế giới, của những yêu cầu gia tăng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm,… Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và sẽ gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; xu hướng bảo hộ và gia tăng rào cản thương mại trên thế giới, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát… Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát – chính sách hỗ trợ kịp thời của Đảng/Nhà nước, sự quyết tâm cao độ của ngành,… Những thành tựu năm qua sẽ là động lực, tác động tích cực và giúp nông nghiệp – nông thôn phát triển cao và bền vững hơn.
Về kế hoạch, năm 2018 và định hướng đến 2020, ngành Nông nghiệp xác định rõ quan điểm và mục tiêu: “Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước; triển khai ngay từ đầu năm Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, các nhiệm vụ và giải pháp kế hoạch ngành đã đề ra. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8 – 3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 37 – 38 tỷ USD; có 37% số xã và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới;…
Để hoàn thành được nhiệm vụ trên, chúng ta phải có các giải pháp quyết liệt, cụ thể, đồng bộ, được tập trung ở các nhóm giải pháp sau: Thứ nhất là, thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác… Thứ hai là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ hơn với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng, uy tín và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Tiếp đến, Thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, các nhiệm vụ được giao trong Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững; thực hiện mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 50% số xã trong tổng số gần 9.000 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, chúng ta cần tập trung đi sâu vào chất lượng với 3 tiêu chí cơ bản: Thúc đẩy sản xuất, xử lý môi trường và an ninh, trật tư xã hội gắn với văn hóa ở nông thôn với các nhóm tiêu chí khác… Bên cạnh đó, chúng ta phải chủ động ứng phó – thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp tục nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Cuối cùng là, tập trung rà soát tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiến tạo và hành động quyết liệt, tạo động lực mới cho phát triển NN hiện đại, hiệu quả hơn.
PV. Theo đánh giá chung, Năm 2017 Ngành đã đạt đột phá lớn trong thu hút DN đầu tư vào NN, đặc biệt là năm đánh dấu sự tham gia tỷ đô của một số tập đoàn lớn. Tuy nhiên theo một số ý kiến, số lượng DN nông nghiệp phá sản hoặc hoạt động kém hiệu quả còn khá lớn, mô hình liên kết tạo chuỗi giá trị (cụ thể là liên kết 4 nhà) còn bộc lộ nhiều hạn chế… Theo Bộ trưởng, làm thế nào để Ngành có thể nâng cao hiệu quả hoạt động các DN tham gia vào lĩnh vực NN?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Như trên đã nói, một trong những nội dung trọng tâm của tái cơ cấu ngành cũng như kế hoạch cho những năm tiếp theo là chúng ta phải hoàn thành bằng được chuỗi giá trị khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến đến công tác thị trường, từ đó tạo và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp. Trong chuỗi hoạt động này, doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi liên kết, hạt nhân liên kết thị trường với nông dân, tổ chức nông dân (Hợp tác xã, tổ hợp tác -PV), quyết định giá trị thương hiệu các sản phẩm nông sản và là cầu nối cung (Sản xuất của nông dân-PV)- cầu (tiêu thụ trên thị trường) hiệu quả. Do vậy, hỗ trợ và phối hợp giúp DN phát triển là một nhiệm vụ quan trọng.
Năm qua, chúng ta đã có những tín hiệu đáng mừng khi DN ồ ạt đầu tư, tăng quy mô vào nông nghiệp, trong đó có các tập đoàn như TH Truemilk, Vinamilk, Massan, Việt-Úc, Minh Phú, Vĩnh Hoàn, PAN… Nhưng để DN tin và yên tâm đầu tư hiệu quả, trước hết phải tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, phải coi khó khăn của DN chính là khó khăn của Ngành, của địa phương, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, Ngành và các địa phương để cùng tháo gỡ (nội dung 5, kế hoạch 2018 ở trên – PV). Ở đây phải nói đến cả về vấn đề thị trường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đều phải vào cuộc quyết liệt ở cả thị trường nội địa và quốc tế.
Thực hiện được điều đó, chúng ta sẽ thực hiện đúng chủ trương “Chính phủ kiến tạo”. Chúng ta mong muốn khuyến khích, tạo động lực, tính chủ động cho doanh nghiệp vào đầu tư chứ không phải mãi đi khắc phục khó khăn. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ chủ động cùng bàn với địa phương về phát triển HTX kiểu mới trở thành trụ cột liên kết với gần 10 triệu hộ nông dân, thực hiện cho được cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị khép kín từ nguyên liệu chế biến đến phát triển thị trường.
PV. Trong phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến ngành ngày 04/1/2018 vừa qua, Thủ tướng nhắc đến một số chỉ tiêu “khó”, trong đó có tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông – lâm – thủy sản phải đạt 40 tỷ đô, trong khi năm 2017 chúng ta đã đạt mức kỷ lục về xuất khẩu (36,37 tỷ đô). Liệu Ngành có thực hiện được – Thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Không chỉ riêng về xuất khẩu, nhiều nội dung ngành được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trực tiếp như vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ nông sản… Chúng tôi đã tiếp thu  và đang chỉ đạo, bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch – hành động cụ thể, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao.
Khẳng định thêm, Ngành luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Riêng năm 2017, Thủ tướng đã dự và trực tiếp chỉ đạo 17 hội nghị lớn của ngành, giúp Ngành tháo gỡ khó khăn và truyền cảm hứng để Ngành có được kết quả ngày hôm nay.
Những gì chúng ta đạt được năm qua sẽ là cơ sở và động lực khi bước vào năm 2018 và những năm tiếp theo, những khó khăn vướng mắc cùng những thách thức trong hội nhập sẽ được khắc phục, hướng đến phát triển bền vững. Năm 2018 cũng là năm chúng ta tập trung cải cách mạnh mẽ và sâu sắc về hành chính, gỡ bỏ nhiều rào cản về thủ tục hành chính…cùng với nhiều chính sách mới thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, tổ chức – hỗ trợ nhiều hoạt động kết nối thị trường trong – ngoài nước cùng với cơ chế kiểm soát – hỗ trợ đảm bảo yêu cầu các thị trường khó tính mà các mặt hàng nông sản Việt Nam đang có thế mạnh như Mỹ, EU, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…
Bên cạnh đó, những kết quả đạt được từ  cơ cấu lại ngành đang thể hiện tác động tích cực giúp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản và của ngành nông nghiệp…, cộng với sự nỗ lực của cả ngành sẽ là cơ sở để cam kết thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra.

  “Thuyền trưởng” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, người dành cả đời gắn bó với ngành Nông nghiệp Việt Nam, bởi các vị trí ông đảm trách hầu hết gắn bó trực tiếp đến đời sống nông dân, đến nông nghiệp – nông thôn: Khởi nguồn từ một cán bộ ngành NN tại phòng NN cấp huyện (H. Đan Phượng – Hà Tây cũ – PV), kinh qua các vị trí lãnh đạo huyện, tỉnh rồi mang trọng trách “Thuyền trưởng” của Ngành trọng yếu này. 17 tháng chưa hề nghỉ cũng là 17 tháng (7/2016 đến nay – PV), Ông cùng tập thể Lãnh đạo và CNCNVC ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn từ TW đến địa phương căng mình cho những nỗ lực vượt khó để thực tế Ngành được khởi sắc như hiện tại. Tái cơ cấu Ngành thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng NTM mới gắn với tái cơ cấu,  đẩy mạnh sản xuất NN công nghệ cao, NN xanh – sạch,… Song hành là hàng loạt quyết sách, chiến lược – sách lược được đề ra và thực hiện nghiêm chỉnh trong thời gian qua. Ít nói, chỉ đạo trực diện, luôn thường trực tại địa phương, tại điểm nóng và rất gần nông dân là những cảm nhận ý nghĩa đầy sâu sắc khi nhắc đến Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

PV. Bộ trưởng có thể chia sẻ cho bạn đọc những cảm nhận của bản thân trên cương vị “Nhạc trưởng” ngành Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: (cười tươi – PV): Tôi nhận chức Bộ trưởng được gần một năm rưỡi và luôn cố gắng quyết liệt, nỗ lực để chỉ đạo, điều hành; luôn đồng hành, hỗ trợ bà con nông dân, các HTX, các doanh nghiệp qua các chính sách, phục vụ thiết thực và hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh; mục tiêu là nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con nông dân, các thành phần kinh tế liên quan; được anh/chị/em trong Ngành tin tưởng là vui rồi!
Nếu để nói về cảm nhận hãy dành lại cho những cán bộ, những doanh nhân đang cùng bà con nông dân nỗ lực hết mình giúp Ngành chúng ta ngày càng phát triển, xin dành cho những người nơi đầu sóng ngọn gió, vượt thiên tai bám trụ ruộng vườn, bám biển,… và những người đang lặng lẽ mang thương hiệu nông sản Việt khẳng định trên thị trường nội địa cũng như thị trường hơn 7 tỷ dân kia sẽ hay hơn, khách quan hơn.
Nhân dịp Xuân mới 2018, Tôi xin gửi lời chúc năm mới tốt đẹp nhất tới toàn thể độc giả trong và ngoài nước của Tạp chí Ánh sáng & Cuộc sống!
PV. Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, xin chúc sức khỏe ông cùng gia đình một năm mới, an khang thịnh vượng, chúc ông và Ngành Nông nghiệp gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

Ngàn Thương  – Thái Hà (thực hiện)

Bài viết liên quan