22 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Đà Nẵng: Vì một đại dương không nhựa

Print Friendly, PDF & Email

Ngày 7/3/2018, dự án “Đại dương không nhựa – Chương trình thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn vì cộng đồng khỏe và TP. xanh” (viết tắt dự án “Đại dương không nhựa”) chính thức khởi động tại Đà Nẵng.
Hơn tháng sau, ngày 22/4, trong khuôn khổ của dự án, sự kiện Ngày Trái Đất 2018 diễn ra tại bãi biển Thọ Quang với nhiều nội dung, trong đó “điểm nhấn” vẫn là “đại dương không nhựa”. Dự án “Đại dương không nhựa” được thực hiện dưới nguồn tài trợ trong khuôn khổ chương trình Tái chế rác thải sinh hoạt đô thị của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam thông qua thỏa thuận ký kết với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR).

Đại dương không nhựa.

“Một công hai việc”
Ô nhiễm môi trường biển có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trước hết là ở chính con người. Để biển sạch, cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ như nhặt rác hoặc không xả rác bừa bãi – hành động trước hết để bảo vệ chính mình và người thân, đồng thời bảo vệ cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Thu, cán bộ Văn phòng UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, cho rằng đó cũng chính là động lực thúc đẩy hơn 300 cán bộ, nhân dân của phường cùng với trên 700 tình nguyện viên đến từ các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện trên địa bàn thành phố tham gia hưởng ứng sự kiện Ngày Trái Đất nói .
Theo nhận định của bà Đặng Thùy Trang, cán bộ phụ trách truyền thông của CECR, Điều phối viên DA tại quận Sơn Trà, Ngày Trái Đất ở bãi biển Thọ Quang vừa qua là một sự kiện hết sức thành công. Với chủ đề chính “Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa”, CECR đã kêu gọi được cả nghìn người tham gia các hoạt động đầy ý nghĩa như: đổi rác thải tái chế lấy các sản phẩm tái sử dụng từ rác; làm sạch bãi biển; triển lãm câu chuyện hành trình xấu xí của rác thải nhựa…
Có thể nói đây là sự kiện mở màn cho một chuỗi các hoạt động khác nhau của dự án “Đại dương không nhựa” để đạt được mục tiêu “Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi thực hành tái chế rác thải tại nguồn dựa vào cộng đồng và giữ biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa”.
Phụ nữ và nông dân phường cũng vào cuộc khi hai hội này triển khai mô hình phân loại rác thải tại nhà ở 27 chi hội khu dân cư với mục đích vận động các chi hội thu gom, phân loại rác thải, góp phần giảm thiểu tình trạng thải rác khó phân hủy. Đây là mô hình thuộc dạng “một công đôi việc”, bởi ngoài làm sạch môi trường, người dân còn có thể bán các loại rác thải còn tận dụng được để gây quỹ hoạt động cho chi hội và thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Không có nhựa trong môi trường sống
Sau kết quả khả quan của Ngày Trái Đất 22/4 ở Thọ Quang, CECR tiếp tục hàng loạt các hoạt động khác nhau để đạt được mục tiêu của DA Trong đó, theo bà Thùy Trang, một trong những hoạt động chính là thực hiện chương trình nâng cao nhận thức và thực hiện các mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt tại nguồn ở quận Sơn Trà và Thanh Khê. Đây là hai địa phương được USAID và CECR chọn triển khai dự án “Đại dương không nhựa” từ tháng 3/2018 đến tháng 4/2019.
Ở quận Thanh Khê, đối với vấn đề tái chế rác thải sinh hoạt, giữ biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa thông qua thúc đẩy chương trình tái chế rác thải dựa vào cộng đồng, bà Lê Thị Thành Huyên, Phó phòng TN-MT quận cho biết, bên cạnh việc thực hiện mô hình dự án “Đại dương không nhựa” thí điểm tại phường Xuân Hà, UBND quận cũng đang triển khai thí điểm phân loại rác tài nguyên (nhựa, giấy, kim loại) tại 2 phường Tam Thuận và Thạc Gián theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng.
“Trong khuôn khổ dự án, dự kiến UBND quận sẽ phối hợp Hội Nông dân quận tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển nhằm thay đổi nhận thức của ngư dân, thu gom các loại rác thải phát sinh trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản, hạn chế tình trạng xả rác trực tiếp xuống biển từ các tàu thuyền đánh cá.
Đến tháng 8/2018, trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm tại phường Xuân Hà, UBND quận sẽ triển khai nhân rộng thêm một số phường khác trên địa bàn quận”, bà Thành Huyên thông tin. Tại quận Sơn Trà, dự án “Đại dương không nhựa” đã cùng với UBND quận tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chương trình cho lãnh đạo UBND các phường, cán bộ Mặt trận và các hội đoàn thể của quận và phường nhằm phổ biến về chương trình.
Sau đó ở mỗi khu dân cư thí điểm, UBND các phường đã thành lập nhóm nòng cốt, nhóm này có trách nhiệm vận động, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các hộ gia đình thực hiện việc phân loại rác tài nguyên”. Cùng với đó, các bên sẽ tiến hành thu gom và ghi chép các số liệu rác tài nguyên theo định kỳ. Mô hình thí điểm tại 4 phường này sẽ kết thúc vào hết tháng 8-/18, sau đó sẽ có một buổi sơ kết để điều chỉnh lại cách thức vận hành trước khi được nhân rộng ra 7 phường (dự kiến mỗi phường sẽ có thêm khoảng từ 15 – 20 khu dân cư thực hiện) trên địa bàn quận.
Đối với các nhà hàng, khách sạn
Nơi dùng nhiều loại túi ni-lông và nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, cốc nhựa…, CECR cũng tổ chức các lớp tập huấn thông tin, tuyên truyền nhằm góp phần giảm thiểu rác nhựa ra môi trường. Dự kiến cuối tháng 10 tới, một chương trình ngày hội tái chế rác thải sẽ được tổ chức ở Sơn Trà – hoạt động được xem là “nghiệm thu” kết quả chương trình nâng cao nhận thức cho học sinh do CECR, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận phối hợp tổ chức thông qua việc phát động cuộc thi thực hiện các sáng kiến thu gom, phân loại và tái chế rác thải trong trường học.
Việt Nam là một trong 4 nước ở châu Á được dự án “Đại dương không nhựa” tài trợ và Đà Nẵng là địa phương duy nhất trên cả nước được USAID và CECR chọn triển khai dự án. Nhận thức tầm quan trọng của dự án, chính quyền và người dân Đà Nẵng nói chung, các địa phương đang triển khai nói riêng, sẽ càng thêm quyết tâm trong nỗ lực vì “Thành phố môi trường” mà trước hết là vì “một đại dương không nhựa”.

Đắc Bình

Bài viết liên quan