23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Đà Nẵng 5 năm liền giảm tai nạn giao thông

Print Friendly, PDF & Email

Năm 2018 tình hình trật tự ATGT ở TP Đà Nẵng có sự chuyển biến tích cực, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là năm thứ 5 giảm TNGT, có kết quả này là nhờ sự quyết tâm cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, lan toả đến nhân dân, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT. Phóng viên AS&CS đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Trung-Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT- TP Đà Nẵng-Giám đốc Sở GTVT về vấn đề này.

ÔNG LÊ VĂN TRUNG GIÁM ĐỐC SỞ GTVT ĐÀ NẴNG.

Phóng viên: Thưa ông, trong năm 2018 tình hình TNGT trên địa bàn TP Đà Nẵng được giảm cả 3 tiêu chí về sô vụ, số người chết và bị thương. Vậy đâu là nguyên nhân?
Ông Lê Văn Trung: Điều trước tiên chúng tôi luôn chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đi sâu đi sát với quần chúng nhân dân, đặc biệt quán triệt cho những người tham gia giao thông hiểu rõ về luật giao thông. Năm 2018, Ban ATGT Tp tập trung triển khai các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 16/KH-UBATGTQG ngày 9/1/ 2018 của Uỷ ban ATGT Quốc Gia về Kế hoạch Năm ATGT 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”. Qua đó tham mưu UBND TP Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 10431/KH-UBND ngày 26/12/2017 về Triển khai đợt cao điểm về bảo đảm TT.ATGT trong dịp Tết Dương lịch 2018, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018 và nhiều kế hoạch khác
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở GTVT tham mưu UBND TP ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về bảo đảm TTATGT, về tổ chức kiểm tra, xử lý dứt điểm hoạt động của xe tải, xe tải ben gây ô nhiễm môi trường và mất ATGT; có biện pháp xử lý kiên quyết tình trạng xe dù, đón trả khách không đúng quy định, các giải pháp tổ chức giao thông trên địa bàn TP. Trong thời gian qua Ban ATGT TP ban hành hơn 203 văn bản triển khai công tác bảo đảm TTATGT, xây dựng 10 Kế hoạch chuyên đề. Tổ chức 5 buổi kiểm tra và làm việc với các Ban ATGT quận, huyện. Tổ chức 11 buổi kiểm tra thực tế hiện trường theo chuyên đề hoạt động của xe tải ben, xe đầu kéo, 2 đợt về tổng rà soát các điểm tiềm ẩn TNGT.
Phải nói rằng, ngay từ đầu năm 2018, Sở GTVT đã tập trung triển khai sửa chữa hạ tầng giao thông, đảm bảo TT.ATGT và mỹ quan đô thị, thi công sửa chữa cầu Nam Ô (cũ). Đặc biệt tổ chức 2 đợt tổng kiểm tra, rà soát xử lý 65 điểm tiềm ẩn TNGT. Lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại 17 nút giao, trong đó có các nút giao trọng điểm như phía Tây cầu Tiên Sơn, Nguyễn Hữu Thọ – Lê Đại Hành – Trịnh Đình Thảo. Đến nay, trên địa bàn TP có 160 nút đèn tín hiệu điều khiển giao thông. Trong đó, có 49 nút tín hiệu đèn đỏ được rẽ phải. Triển khai cấm đỗ xe ngày chẵn, lẻ 12 tuyến đường, nâng tổng số lên 42 tuyến đường cấm đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ trên địa bàn TP..
Công an TP đã ban hành 76 Kế hoạch, Công văn chỉ đạo về công tác bảo đảm TTATGT. Qua đó, Phòng CSGT xây dựng 201 văn bản, chỉ đạo các Đội, Trạm, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT trong các đợt cao điểm, tăng cường TTKS, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Đặc biệt là, mở 6 đợt cao điểm ra quân theo chuyên đề về lập lại TTATGT trên các lĩnh vực ĐBĐS và đường TNĐ.
Phóng viên: Công tác tuyên truyền là mưa dầm thấm lâu, còn biện pháp xử phạt là mang tính chất răn đe để giảm thiểu TNGT? Kết quả như thế nào, Thưa ông!
Ông Lê Văn Trung: Phải nói rằng công tác tuyên truyền của Ban ATGT TP Đà Nẵng, phối hợp Ban ATGT các quận huyện, đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng khác trong thời gian qua là việc làm thường xuyên, luôn đổi mới tư duy qua nhiều hình thức bằng pa nô, áp phích, tờ rơi, sử dụng loa phóng thanh tuyên truyền trong giờ tan tầm ở những nơi có tín hiệu đèn giao thông, nói chuyện về bảo đảm TTATGT ở các nơi khu dân cư, trường học…Song giải pháp cơ bản nhất là công tác TTKS của lực lượng chức năng, mà trong đó chủ công là CSGT, CSTT, TTGT thường xuyên xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm tốc độ, tránh vượt sai quy định, vượt đèn đỏ, đi sai phần đường, đậu đỗ không đúng nơi quy định, chở hàng quá tải trọng, quá chiều cao, cồng kềnh, uống rượu bia trong lúc điều khiển phương tiện, không đội MBH…
Năm 2018 qua TTKS, lực lượng CSGT toàn TP phát hiện 70.479 trường hợp vi phạm, lập biên bản 67.479 trường hợp vi phạm (29.070 ôtô, 38.409 môtô, 10 xe máy điện). Ra quyết định xử phạt 61.795 trường hợp, nộp kho bạc Nhà nước thu hơn 46 tỷ đồng. Tạm giữ 460 ôtô, 3.181 môtô. Tước quyền sử dụng GPLX 9.105 trường hợp. lực lượng TTGT xử phạt 3,944 trường hợp vi phạm về TTATGT, nộp Kho bạc nhà nước gần 5,6 tỷ đồng.
Đặc biệt xử lý giám sát qua hệ thống Camera: Phát hiện 12.509 trường vi phạm, gửi thông báo 8.509 trường hợp, phạt tiền hơn 10,8 tỷ đồng, tước GPLX 1.658 trường hợp. Xử lý nồng độ cồn: 1.346 t/h. Chính nhờ xử phạt nguội camera người tham gia giao thông biết sợ nên dần dần ý thức chấp hành tốt hơn. Năm 2018 trên địa bàn TP xảy ra 91 vụ, làm chết 56 người, bị thương 63 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 20 vụ, giảm 13 người chết giảm, giảm 12 người bị thương. Đây là năm thứ năm liên tiếp tình hình TNGT trên địa bàn TP đã được kiềm chế và kéo giảm về cả 3 tiêu chí số vụ, người chết và bị thương.
Phóng viên: Để tiếp tục phát huy giảm thiểu TNGT trong năm 2019, Ban ATGT Tp Đà Nẵng đã có phương hướng tuyên truyền, giải pháp mạnh trong xử lý như thế nào? – Thưa ông!
Ông Lê Văn Trung: Quyết tâm giảm TNGT từ 5 – 10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018. Không để ùn tắc giao thông kéo dài, đua xe trái phép xảy ra; thực hiện năm ATGT với chủ đề: “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”. Với những nhiệm vụ: Tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai các văn bản pháp luật về bảo đảm TTATGT, công tác quy hoạch các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải đáp ứng với sự phát triển kinh tế – xã hội; Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng TTKS, xử lý vi phạm về TTATGT
Qua đó đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng; Tổ chức bảo vệ hành lang ATGT ĐBĐS, đường TNĐ; Nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ vận tải, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và vùng lân cận. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông. Tăng cường công tác TTKS đối với lực lượng chức năng, xử lý vi phạm.
Thực hiện đồng bộ và hạn chế mức sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về ATKT và BVMT của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm. Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… trong các đô thị đảm bảo TTATGT và phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách trong hoạt động vận tải đường bộ; Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường bảo đảm TTATGT đường TNĐ; Chỉ thị số 29/CT-TTg về xử lý phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; Chỉ thị số 32/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông và Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, lập lại trật tự hành lang ATGT ĐBĐS; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 4/12/2018 của UBND TP về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trong hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn TP, qua đó tiếp tục kéo giảm TNGT.
PV: Trân trọng cám ơn ông!

Nguyễn Đắc Bình(thực hiện)

Bài viết liên quan