23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Chiếu sáng chất lượng và hiệu quả đô thị thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Định hướng và giải pháp

Print Friendly, PDF & Email

Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có 13 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố trực thuộc trung ương và 12 tỉnh, Hệ thống chiếu sáng đô thị (CSĐT) Khu vực ĐBSCL Đồng Bằng Sông Cửu Long đã góp phần tạo cảnh quan đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, tăng cường an ninh trật tự, góp phần giảm tệ nạn xã hội, thúc đẩy giao thương, tăng trưởng kinh tế trong khu vực…
Ngày 11/10/2010, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký ban hành quyết định số: 1874/QĐ-TTg về việc phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025. Từ cơ sở trên và qua nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng tình hình CSCC khu vực ĐBSCL, tôi xin đề xuất một số nội dung cụ thể về định hướng phát triển chiếu sáng chất lượng và hiệu quả cao tại các đô thị thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025.

Về quan điểm phát triển
Phát triển chiếu sáng tại các đô thị thuộc ĐBSCL phải gắn liền với sự phát triển chung của đô thị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và đảm bảo văn minh đô thị; Phát triển kết hợp cải tạo với xây dựng mới, đồng bộ với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là việc khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo ( Các tỉnh ĐBSCL có nhiều tiềm năng ) trong hoạt động CSĐT nhằm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng điện – năng lượng và bảo vệ môi trường; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, sản xuất và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao tiết kiệm điện

Mục tiêu phát triển
Phát triển CSĐT KVĐBSCL phải theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị, từng bước hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng chiếu sáng đô thị, đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và tạo dựng hình ảnh đô thị Việt Nam có bản sắc văn minh hiện đại.
Cụ thể từ nay đến năm 2025 cần tập trung nâng cao các chỉ tiêu định lượng, chất lượng CSĐT, đảm bảo điều kiện ánh sáng tiện nghi, an toàn cho 100% các công trình giao thông, không gian công cộng và quảng cáo tại các đô thị (bao gồm: Các công trình xây mới, cải tạo, nâng cấp) bằng việc sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện (sử dụng nguồn sáng LED), được tính toán thiết kế, xây dựng hoàn chỉnh chính xác, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, điều kiện khí hậu địa phương trong đó có từ 30% đến 50% các công trình sử dụng đèn năng lượng mặt trời được quản lý, vận hành bằng công nghệ tự động và bán tự động là tiền đề để xây dựng hệ thống chiếu sáng thông minh trong đô thị thông minh.
Về chiếu sáng các công trình giao thông, Đối với các loại đô thị đặc biệt, loại I: Chiếu sáng các loại đường phố đạt tỷ lệ 100% chiều dài đường. Đối với các đô thị loại II, loại III: Chiếu sáng đường phố đạt 100% chiều dài đuờng phố chính cấp đô thị, 95% chiều dài đường phố cấp khu vực, nâng tỷ lệ chiếu sáng ngõ xóm (có chiều rộng từ 2m trở lên) đạt 80% chiều dài đường. Đối với các đô thị loại IV, loại V: Chiếu sáng đường phố đạt tỷ lệ 90% chiều dài các tuyến đường phố chính đô thị và đường phố khu vực, nâng tỷ lệ chiếu sáng ngõ xóm đạt 75% chiều dài đường. Xây dựng các trung tâm điều khiển cho các đô thị loại III và loại IV, đồng thời hoàn thành việc hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện chiếu sáng tại các đô thị.

Giải pháp thực hiện
Để thực hiện các mục tiêu trên cần tiến hành đồng bộ các hoạt động từ công tác quy hoạch, đầu tư, nguồn nhân lực, tài chính, đến các cơ chế, chính sách cụ thể cho toàn vùng và địa phương cụ thể. Chúng ta cần tập trung vào 6 nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, Quy hoạch và phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị Trong đó, đối với các thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch chiếu sáng đô thị. Các đô thị còn lại rà soát, bổ sung nội dung quy hoạch chiếu sáng đô thị trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đô thị. Tiến hành lập kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị theo quy hoạch được phê duyệt, trong đó có kế hoạch huy động nguồn vốn, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị hàng năm và dài hạn Thứ hai, Đầu tư, phát triển hệ thống CSCCĐT, Tập trung ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách trung ương, địa phương để phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị với các hình thức khác nhau theo quy định hiện hành Thứ ba, Cơ chế, chính sách đầu tư trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị, sử dụng năng lượng mới trong chiếu sáng đô thị, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến sản xuất các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện đạt tiêu chuẩn, đa dạng về chủng loại và đẹp về mẫu mã đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Xây dựng cơ chế chính sách huy động vốn đóp góp của người dân và nhà nước cùng thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp chiếu sáng ngõ, hẻm trong đô thị Thứ tư, Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, hiện đại hoá công nghệ chiếu sáng đô thị đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy phạm nhà nước ban hành , hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ kỹ thuật cao để sản xuất các sản phẩm chiếu sáng đồng bộ đạt chất lượng cao, đa dạng về chủng loại và đẹp về mẫu mã. Nghiên cứu và hoàn thiện việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý(GIS), công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực tư vấn, thiết kế, giám sát chất lượng, quản lý và vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chiếu sáng đô thị nhằm thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp các thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu, tư vấn, thiết kế và sản xuất. Tăng cường các hoạt động liên ngành trong phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, tuyên truyền giáo dục cộng đồng, nâng cao dân trí về sử dụng tiết kiệm điện và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao Thứ năm, Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị Xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực bao gồm đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật về vận hành, bảo trì chiếu sáng đô thị. Tăng cường công tác trao đổi thông tin, phổ biến áp dụng các tiến bộ kỹ thuậtvà tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chiếu sáng đô thị hiệu suất cao, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về chiếu sáng đô thị Thứ sáu, Hoàn thiện cơ chế quản lý về chiếu sáng đô thị và chiếu sáng công cộng đô thị. Hoàn thiện bộ máy, thống nhất nhiệm vụ quản lý về chiếu sáng đô thị tại các địa phương , nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đổi mới và hiện đại hoá trang thiết bị quản lý, vận hành nhằm đáp ứng các yêu cầu và nhiệm vụ.

TS. Trần Đình Bắc
(Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chiếu sáng Việt Nam)

Bài viết liên quan