23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

CAM CAO PHONG – HÒA BÌNH: Đặc sản vùng Tây Bắc

Print Friendly, PDF & Email

Cao Phong là một huyện miền núi nhưng luôn là lá cờ đầu trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hòa Bình. Từ cam người dân Cao Phong đã đi lên làm giàu,  nâng cao đời sống vật chất; biệt thự, nhà cao tầng mọc lên như nấm, hầu như nhà nào cũng có xe ôtô đi lại tấp nập nhất là khi vào vụ thu hoạch cam. Đặc sản cam ít nhiều đã làm thay đổi diện mạo Cao Phong hôm nay, đồng thời góp phần không nhỏ vào việc xây dựng phát triển kinh tế  của tỉnh Hòa Bình nói chung… vì vậy tiếng cam Cao Phong ngày càng được nhiều người tiêu dùng trên cả nước biết đến.

Chị Đặng Thị Thu nông dân Việt xuất sắc (2016), làm giàu từ cam
Chị Đặng Thị Thu nông dân Việt xuất sắc (2016), làm giàu từ cam

Năm 1964, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn rất phù hợp với cây cam và những cây có múi, huyện Cao Phong đã thành lập Nông trường Cao Phong (nay là Công ty TNHH MTV Cao Phong) nhằm phát triển vùng cam, quýt mang thương hiệu Cao Phong.  Năm 1976, trên địa bàn  có 900 ha cam, quýt với sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm, trong đó khoảng 50% được xuất khẩu sang Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô có biến cố, các hợp đồng xuất khẩu cam đi Liên Xô và các nước Đông Âu đã bị ảnh hưởng trầm trọng khiến cho việc tiêu thụ cam chậm, người dân trồng cam gặp nhiều khó khăn diện tích trồng cam giảm mạnh.
Năm 1990, sau khi thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, được sự giúp đỡ và định hướng của ban lãnh đạo huyện các hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, thâm canh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng cam vì vậy cây cam, quýt trên toàn huyện dần tăng mạnh  về diện tích, năng xuất và chất lượng sản phẩm. Dựa trên những thành quả đã đạt được Tháng 11 năm 2014 sản phẩm cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm Cam Cao Phong. Đây là bước ngoặt lớn trong việc quảng bá đưa thương hiệu cam Cao Phong tới người tiêu dùng.Thành công nối tiếp thàng công trong 5 năm trở lại đây, diện tích và sản lượng cam, quýt trên địa bàn đã tăng mạnh. Nếu như năm 2010,  diện tích cam của huyện là 557 ha với sản lượng đạt 9000 tấn  thì đến năm 2015 diện tích đã tăng lên thành 1700 ha tương ứng với sản lượng là 20.000 tấn. Tính đến tháng 9/2016, diện tích cam, quýt trên địa bàn đã đạt con số 2.064 ha, sản lượng dự kiến trên 23.000 tấn. Trong đó, diện tích trồng cam chiếm khoảng trên 80%. Nhờ vào cây cam, quýt, nhiều hộ dân trong huyện đã xây được nhà cao tầng, biệt thự, bể bơi, mua ô tô hạng sang, tiện nghi đắt tiền. Đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân các xã  trong huyện  không ngừng được nâng cao.  theo thống kê của Phòng NN&PTNT trong năm 2015 số hộ có thu nhập từ 100 – 500 triệu đồng 379 hộ, từ 500 – 1 tỷ 122 hộ, từ 1 tỷ đến 3 tỷ 44 hộ,  đặc biệt có 9 hộ đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng như gia đình ông Tuyên, ông Bình, ông Hưng, đặc biệt vừa qua trong lễ tổ chức tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc được tổ chức tại Hà Nội  gia đình tỷ phú “vua cam” Đặng Thị Thu được vinh danh nông dân Việt xuất sắc 2016. Được Chủ tịch nước trao tặng (Cúp nông dân xuất sắc). Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (vinh danh nông dân hội nhập).
Về chủng loại, trên địa bàn huyện hiện nay rất đa dạng về các loại cam quýt và bưởi, cam chín sớm như cam CS1 chiếm khoảng 30% tổng sản lượng, cam chính vụ như cam Xã Đoài chiếm khoảng 40% tổng sản lượng, cam chín muộn như cam V2 . Ngoài ra còn các giống cam khác như Cam Sông Con, Cam Sành, Cam Mart . Một số giống quýt, bưởi và chanh được người dân nơi đây lựa chọn như Quýt Ôn Châu, quýt Cao Phong, bưởi Diễn, bưởi Da Xanh, bưởi Đỏ, chanh đào, chanh trắng, chanh tứ quý  trồng xen trong các vườn cam tăng thêm thu nhập đáng kể cho người nông dân.Thị trường tiêu thụ cam, quýt Cao Phong chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An và các tỉnh lân cận….

Một góc vườn cam Cao Phong vào mùa thu hoạch
Một góc vườn cam Cao Phong vào mùa thu hoạch

Bám sát và nhậy bén đánh giá ưu thế tiềm năng và gia trị kinh tế của cây cam ban lãnh đạo huyện Cao Phong đã kịp thời gia nghị quyết 04/2006/NQ-HU nhằm tạo đà cho phát triển vùng cây công nghiệp giai đoạn 2006-2010 định hướng đến năm 2020 ưu tiên phát triển cây cam nói riêng, và các cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh ) nói chung..Cùng các hộ dân quyết tâm xây dựng mô hình vùng chuyên canh nông nghiệp có giá trị cao, trong những năm tiếp theo cây cam, quýt vẫn sẽ là loại cây mũi nhọn trong trong việc phát triển kinh tế của huyện, coi trọng trồng cam vào thực hiện tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn.  Để đạt được các mục tiêu trên huyện tập trung vào một số giải pháp như: Quy hoạch vùng sản suất, định hướng các giống cam đảm bảo rải vụ hợp lý, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào trong canh tác  đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ứng dụng khoa học kỹ thuật và trong sản xuất, thực hiện nghiên cứu quy trình sản xuất và bảo quản phù hợp với từng địa phương trên đạ bàn huyện. Không ngừng thu hút, đào tạo nhân tài, huy động vốn vào đầu tư sản xuất và quảng bá thương hiệu.
Cam Cao Phong nơi ấy mang nặng dấu ấn địa phương văn hóa đặc sản vùng miền đã tạo nên một  giá trị ẩm thực có giá trị kinh tế, tiềm năng làm giàu cho những người nông dân một nắng hai sương, người yêu đất yêu cam ngày càng đưa vị thế và thương hiệu cam Cao Phong đến với thị trường trong nước và quốc tế. Mong rằng Cao Phong luôn đi đầu trong bức tranh toàn cảnh xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn mới. Hướng tới  đầu tư phát triển cây nông nghiệp có giá trị cao, bền vững.

Bài và ảnh: Tạ Văn Mây

Bài viết liên quan